Mâm cỗ Tết: "Hương đồng gió nội" bay đi ít nhiều

Đối với người Việt Nam, mâm cỗ là linh hồn của Tết. Ăn Tết không theo nghĩa từ điển bình thường mà là nét văn hóa, ăn để lấy đẹp.
Tết ở Việt Nam ngày nay có nhiều thay đổi so với trước đây. Tuy nhiên, ngày Tết vẫn mang đậm nét văn hóa của một dân tộc đã có hàng nghìn năm lịch sử. Phóng viên Vietnam+ đã trao đổi với nhà văn Băng Sơn câu chuyện về mâm cỗ Tết.

Xin chào nhà văn Băng Sơn! Có thể nói “ăn Tết” là một từ quen thuộc của người Việt Nam khi nói về Tết. Xin ông cho biết nét văn hóa này xuất phát từ đâu?

Nhà văn Băng Sơn: Đúng là nhắc đến Tết, người Việt Nam thường dùng hai từ “ăn Tết”. Bởi vì, với người Việt, mâm cỗ là linh hồn của Tết. Ăn ngày Tết không theo nghĩa từ điển bình thường mà là nét văn hóa, ăn để lấy đẹp.

Mâm cỗ Tết ngày nay khác xưa thế nào thưa ông và liệu nó còn giữ được nét truyền thống?

Nhà  văn Băng Sơn: Trên mâm cỗ Tết của người Việt dù xưa hay nay, thứ không bao giờ có thể thiếu được là bánh chưng. Đã là người Việt Nam thì không ai không biết về truyền thuyết bánh chưng, bánh dầy. Hai loại bánh này biểu tượng cho lòng biết ơn tổ tiên và nhớ về cội nguồn.

Ngoài ra, trên mâm cỗ xưa thường có đủ tám bát và tám đĩa. Ngày nay, con số đó có sự thay đổi. Mỗi mâm cỗ đều có những món nóng và món nguội. Món nóng như: nấm thả (nấm hương trên rừng bọc giò sống thả vào nước dùng nấu), chim hầm, gà hầm hạt sen hoặc cốm… Món nguội như: giò lụa, chả quế, thịt gà luộc, thịt đông, dưa hành…

Món thịt đông thuở xưa được làm cầu kỳ lắm. Nấu xong người ta phơi một đêm cho sương gió ngấm vào. Đến ngày hôm sau, khối thịt đông như một khối pha lê. Ngày nay, hiếm mà thấy ai làm thao tác này nữa.

Tết ngày nay có người đã dùng bánh Pizza thay cho thịt mỡ dưa hành, cũng hơi buồn. Tuy vậy, đó chỉ là con số rất nhỏ.

Bên cạnh thức ăn, đồ uống cũng rất được coi trọng. Trước kia, người dân hay uống rượu tự cất. Không chỉ vậy, họ còn ướp hoa vào rượu như: hoa sen, hoa cúc, cũng có thể ướp chanh, ướp cam… Còn ngày nay người ta dùng rượu Tây nhiều hơn.

Trà cũng vậy. Tết xưa, chủ yếu là trà ướp hoa. Trà Tết Việt Nam thường được uống kèm với mứt, một dạng đồ ăn thanh cảnh, được làm từ hoa quả của đồng quê Việt Nam: hạt sen, bí, lạc, gừng… Sau này, một số phong tục nước ngoài đã du nhập vào Việt Nam nên người dân dùng cả các loại trà túi lọc và ăn bánh quy…

Dẫu có sự đổi thay như vậy nhưng điều quan trọng nhất để giữ được nét truyền thống Tết đó là đạo tâm linh trên mâm cỗ của người Việt.

Người Việt luôn đề cao đời sống tâm linh. Trước bất kể bữa ăn nào trong ngày Tết, các gia đình đều cúng tổ tiên. Họ cho rằng, hương hồn của người đã khuất cũng về với con cháu vào dịp này. Vì vậy các món ngon bao giờ cũng được lựa chọn đưa lên bàn thờ.

Tết được tính từ chiều 30. Đó là bữa cỗ cúng gia tiên và gia thần thể hiện lòng hướng về tổ tiên, uống nước nhớ nguồn.

Đêm giao thừa, gà được chọn để thắp hương phải là gà trống. Gà trống gọi mặt trời và ánh sáng cho một năm mới. Bữa cỗ cuối cùng thường vào mồng ba, mồng bốn để tiễn tổ tiên về trời cũng là đánh dấu hết Tết.

Không chỉ vậy, mâm cỗ Tết còn là một trong những biểu hiện của sự sum họp gia đình. Điều này đã trở thành một nét phong tục, văn hóa truyền từ đời này qua đời khác.

Ông vừa nhấn mạnh hai chữ “sum họp” trong Tết của người Việt Nam. Thực tế là ngày nay, nhiều người có xu hướng đi du lịch vào dịp lễ này, không thể có những mâm cỗ để thờ cúng tổ tiên. Ông nghĩ sao về điều đó?

Nhà văn Băng Sơn
: Tôi phản đối xu hướng này. Nét văn hóa Tết của người Việt là sum họp với gia đình. Dù họ có đi làm ở bất kỳ nơi đâu thì đến Tết cũng phải về với quê hương, gia đình vì nơi đó có ông bà, tổ tiên. Bởi vậy, người ta mới nói “Tết ăn cơm nhà chứ không ăn cơm khách”. Đó là nét đẹp truyền thống mà nếu phá vỡ nó, ý nghĩa của chữ “Tết” sẽ mất đi sự thiêng liêng.

Xin cảm ơn ông!

Thiên Linh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục