Buôn lậu thuốc lá ở phía Tây Nam: Không lẽ bó tay?

Liên tục ra quân vây bắt, nhưng các tỉnh biên giới Tây Nam vẫn luôn là điểm nóng về buôn lậu thuốc lá. Theo ông  Võ Thanh Phong, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Tây Ninh, nếu chỉ dừng lại ở biện pháp hành chính, sẽ không bao giờ chấm dứt được "vấn nạn" này. Ông Võ Thanh Phong bày tỏ, muốn chấm dứt tình trạng buôn lậu thuốc lá tại khu vực biên giới Tây Nam thì không ai hết, các nhà sản xuất thuốc lá tại Việt Nam phải tự cứu lấy mình.
Liên tục ra quân vây bắt, nhưng các tỉnh biên giới Tây Nam vẫn luôn là điểm nóng về buôn lậu thuốc lá. Theo một lãnh đạo Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Tây Ninh, nếu chỉ dừng lại ở biện pháp hành chính thôi, sẽ không bao giờ chấm dứt được "vấn nạn" này.

Biện pháp hành chính chỉ bằng "0"

Với 133 km đường biên giới giáp tỉnh Svay Rieng của Vương quốc Campuchia cùng địa hình kênh rạch chằng chịt đã biến Long An trở thành một dạng "thiên đường" của hoạt động buôn lậu thuốc lá.

Theo Ban chỉ đạo 127 tỉnh Long An, chỉ cần băng qua vài con sông từ tuyến biến giới huyện Đức Huệ là thuốc lá lậu có thể "chui tuột" vào nội địa và cũng mất chừng 1 giờ đồng hồ là có thể đưa "hàng" vào Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo thống kê chưa đầy đủ, thông thường mỗi ngày có khoảng từ 70 đến 80 thùng thuốc lá ngoại (35.000 gói - 40.000 gói) được vận chuyển lậu qua khu vực này, còn lúc cao điểm có thể lên tới 150 - 170 thùng/ngày (từ 75.000 gói đến 85.000 gói). Trong đó thuốc lá hiệu Jet và Hero chiếm tỷ lệ khoảng 70% lượng thuốc lá nhập lậu qua biên giới của tỉnh.

Ước tính, mỗi bao thuốc lá các đầu nậu có thể kiếm lời từ 5.000-7.000 đồng, do lợi nhuận lớn nên hoạt động buôn lậu cũng trở nên rất tinh vi để đối phó với lực lượng chức năng.

Ông Lê Văn Chừng, Phó cục trưởng Cục Hải quan Long An cho biết, các đối tượng buôn lậu tổ chức hoạt động khá chặt chẽ, tạo thành một đường dây với những mắt xích gắn kết với nhau để vận chuyển hàng lậu từ biên giới đến các nơi tiêu thụ.

Mặc dù biết rõ các thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu, nhưng theo ông Chừng, việc ra quân vây bắt vẫn chưa đạt hiệu quả như mong muốn, khi các cơ quan chức năng đồng loạt ra quân chốt chặn thì tạm yên nhưng khi rút quân thì đâu lại vào đấy.

"Các đối tượng đầu nậu không bao giờ công khai hoạt động, chúng ở nơi cố định sử dụng điện thoại di động liên lạc với những người canh đường, điều hành những người vận chuyển hàng và nhóm người chuyên theo dõi các hoạt động của các lực lượng chống lậu để có biện pháp đối phó kịp thời," ông Chừng nói.

Thực tế này cũng tương tự với Tây Ninh, một địa bàn khá lý tưởng cho dân buôn lậu với 240 km đường biên giới giáp Campuchia. Theo ông Võ Thanh Phong, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Tây Ninh, mỗi khi ra quân thì chỉ bắt được những vụ nhỏ lẻ, trong khi kinh phí để tổ chức lực lượng theo dõi vây bắt còn lớn hơn nhiều so với giá trị số hàng bị thu giữ dẫn, đến hiệu quả không cao.

"Nếu chỉ dùng các biện pháp hành chính để chống thuốc lá ngoại nhập lậu sẽ không đem lại hiệu quả," ông Phong cho hay.

"Trong ấm thì ngoài mới êm"

Theo thông tư liên tịch số 36/2012/TTLT/BCT-BCA-BTP-BYT-VKSNDTC-TANDTC ngày 7-12-2012, hướng dẫn xử lý vi phạm về kinh doanh thuốc lá và nguyên liệu thuốc lá nhập lậu” thì hành vi buôn lậu thuốc lá với số lượng từ 1.500 bao đến dưới 4.500 bao sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm, còn từ 4.500 bao đến dưới 13.500 bao có thể bị phạt tù từ 3 - 7 năm.

Nhưng gần như chưa có một vụ bắt giữ nào được xử lý hình sự do các đối tượng buôn lậu "lách luật" bằng cách xé lẻ  "hàng" và cất giấu, phân tán ở nhiều địa điểm khác nhau.

Con số ước tính mà Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam (VTA) đưa ra thì mỗi năm lượng thuốc lá điếu nhập lậu từ Campuchia vào Việt Nam khoảng 500 triệu gói, trong khi số lượng bị bắt giữ và tiêu hủy hàng năm chưa đến 2%.

Có cầu ắt có cung, đặc biệt là nhu cầu tiêu thụ thuốc lá ngoại như Jet và Hero trên thị trường nội địa hiện nay khá cao do phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng.

Trước thực trạng trên, ông Võ Thanh Phong bày tỏ, muốn chấm dứt tình trạng buôn lậu thuốc lá tại khu vực biên giới Tây Nam thì không ai hết, các nhà sản xuất thuốc lá tại Việt Nam phải tự cứu lấy mình.

Cụ thể theo người đứng đầu Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Tây Ninh thì cần nghiên cứu để sản xuất ra sản phẩm "hợp gu" và đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng trong nước.

"Một khi thuốc lá nội cạnh tranh được với thuốc lá ngoại thì tình hình nhập lậu thuốc lá ngoại sẽ giảm và đi đến triệt tiêu do không còn chênh lệch giá," ông Phong nói.

Một giải pháp căn cơ nữa mà ông Phong kiến nghị, là Chính phủ cần có giải pháp thiết thực để giải quyết có hiệu quả về an sinh xã hội cho người dân nghèo vùng biên giới, vì cuộc sống còn quá nhiều khó khăn nên họ phải làm thuê vác mướn và tiếp tay cho các đối tượng đầu nậu.

"Chống buôn lậu phải đi từ gốc, cần triển khai đồng loạt các giải pháp trong đó chống phải đi với xây, tập trung vào nâng cao kinh tế và thu nhập cho người nghèo," ông Phong kiến nghị./.

Đức Duy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục