Nhân tố phá hỏng mặt trận lực lượng nổi dậy Libya

Tại một đất nước ngập tràn vũ khí, một số tay súng sử dụng vũ khí đơn thuần chỉ để giúp họ đạt được những gì họ muốn.

"Lực lượng nổi dậy" là một cụm từ dùng để gọi chung, trên thực tế có khoảng 40 nhóm tự xưng là "lực lượng nổi dậy" và dân quân tự do chiến đấu với mục tiêu chấm dứt sự thống trị dai dẳng của nhà lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi.

 

Một vài trong số họ chiến đấu với quân đội của Gaddafi ở tiền tuyến, trong khi những nhóm khác giải quyết vấn đề an ninh tại những thành phố do lực lượng nổi dậy nắm giữ. Và theo lời các thành viên của lực lượng đối lập được vũ trang, tại một đất nước ngập tràn vũ khí, một số tay súng sử dụng vũ khí đơn thuần chỉ để giúp họ đạt được những gì họ muốn.

 

Vụ sát hại nhà lãnh đạo quân sự của lực lượng nổi dậy tại Libya, Tướng Abdul Fattah Younes, hôm 28/7 hiện vẫn chưa được làm rõ nguyên nhân, làm dấy lên những quan ngại về lòng trung thành của một vài lính chiến đấu đối với sự nghiệp của lực lượng nổi dậy.

 

Saif al-Islam, con trai của Gaddafi, đã cố hết sức để lợi dụng mâu thuẫn trong lực lượng đối lập. Saif al-Islam nói với tờ New York Times rằng ông đã liên lạc với những người Hồi giáo trong hàng ngũ phe nổi dậy và rằng chỉ vài ngày nữa, một liên minh giữa chính phủ và những người Hồi giáo sẽ được tuyên bố thành lập. Ông nói thêm rằng ông cũng đã liên lạc với lãnh đạo lực lượng nổi dậy người Hồi giáo Ali Sallabi.

 

Theo tờ New York Times, nhân vật này đã thừa nhận mối liên hệ song cũng nói rằng Ali Sallabi vẫn duy trì mối quan hệ đồng minh với lực lượng nổi dậy tự do nhằm lật đổ ông Gaddafi.

 

Yasser, một lính chiến đấu của lực lượng nổi dậy, nói: "Hiện nay có quá nhiều các đơn vị quân đội và nhóm vũ trang. Khu vực nào cũng có một nhóm. Một vài người còn sử dụng vũ khí để ăn trộm và phạm tội. Mọi người dân Libya đều được trang bị vũ khí và biết cách sử dụng súng. Thậm chí cả mẹ của tôi cũng biết cách dùng súng."

 

Đơn vị của Yasser đã được chính quyền lực lượng nổi dậy cấp cao hơn chính thức công nhận. Đơn vị này được thành lập tại Benghazi bởi một nhóm những người đàn ông trẻ tuổi đã giương súng bảo vệ khu vực này chống lại quân đội của Gaddfi và những tên tội phạm, hiện nay đơn vị này có hơn 100 lính chiến đấu.

 

Cuộc nội chiến đã bước sang tháng thứ sáu, các nhóm vũ trang lang thang khắp các đường phố trong những khu vực nằm dưới sự kiểm soát của lực lượng nổi dậy, gây ra mối lo ngại sẽ xảy ra tình trạng hỗn độn. Họ lái xe bán tải chạy lòng vòng và bắn súng trường vào không trung. Không phải lúc nào cũng biết được họ thuộc nhóm nào hoặc liệu nhóm đó có được Hội đồng Dân tộc Chuyển tiếp (NTC) chấp thuận hay không. NTC đã được một số các cường quốc phương Tây công nhận là chính phủ hợp pháp của Libya.

 

Một quan chức thuộc lực lượng nổi dậy nói: "Tại khu vực của tôi, có nhiều nhóm canh gác khu vực, họ không có một tổ chức chính thức nhưng họ có súng. Bất kể ai cũng có thể ra tiền tuyến và chiến đấu. Rất dễ để có được một khẩu súng. Nếu tôi cầm trong tay khẩu AK-47 và muốn chiến đấu ở tiền tuyến, không ai có thể ngăn cản tôi."

 

Ông Essa, người sống tại Benghazi và là một công nhân ngành thép trước khi cuộc nội chiến xảy ra, tự hào chiếu cuốn viđêô quay cảnh chế tạo bảy chiếc máy phóng lựu đạn đẩy bằng tên lửa (RPG) được làm từ nhiều phần của nhiều vũ khí khác nhau ngay tại xưởng làm việc của ông. RPG từng được sử dụng để chiến đấu với quân đội của Gaddafi trên mặt trận phía tây ở Misrata.

 

Các quan chức Mỹ cho biết họ đang rất lo lắng về những báo cáo nói rằng al-Qaeda có thể đã buôn lậu vũ khí và chất nổ ra ngoài biên giới Libya. Một quan chức của Liên hợp quốc đã chỉ ra sự tương đồng giữa tình hình ở Libya hiện nay với tình trạng lộn xộn tại Iraq sau khi Mỹ tiến hành xâm lược năm 2003 và sau sự sụp đổ của Saddam Hussein. Ông này nói: "Ở Iraq, chúng tôi đã nhắc đi nhắc lại với họ rằng họ phải bảo vệ các kho vũ khí, nhưng không ai chịu lắng nghe. Ngay sau đó chúng ta đã thấy những vũ khí này bị buôn lậu qua biên giới và vào Iran".

 

Quân đội Mahdi của giáo sĩ chống Mỹ dòng Shi'ite Moqtada al-Sadr lúc đầu chỉ là một lực lượng bảo vệ khu vực, song đã phát triển nhanh chóng và sau này phải chịu trách nhiệm cho những cuộc thanh trừ giáo phái năm 2006-2007, đẩy Iraq tới bên miệng hố chiến tranh. Ở Libya, vụ sát hại Tướng Younes cũng gây ra những quan ngại tương tự.

 

Một vài nguồn tin từ lực lượng nổi dậy nói rằng vụ sát hại là do những dân quân người Hồi giáo trong hàng ngũ lực lượng nổi dậy tiến hành, khiến phe đối lập đối mặt với nguy cơ bị chia rẽ và có thể châm ngòi cho một mối thù hận bộ tộc. Các nhóm vũ trang như Obaida Ibn Jarrah và Okbah Ibn Nafih đã bị liệt vào danh sách những kẻ tình nghi thực hiện vụ sát hại. Cả hai nhóm này đều được đặt tên theo hai người thân cận của nhà tiên tri Mohammad.

 

Một vài người nói rằng những người trung thành với ông Gaddafi rõ ràng đã đứng đằng sau vụ sát hại Tướng Younes. Ông Younes đã "đào ngũ" khỏi chính quyền của Gaddafi sau khi nắm giữ những vị trí cao cấp trong chính phủ suốt 40 năm, trong đó có chức Bộ trưởng Nội vụ. Chính điều này đã đặt ông vào thế mâu thuẫn với những phần tử đối lập người Hồi giáo của Gaddafi. Bộ lạc của Tướng Younes đã thề sẽ tự mình thực thi công lý nếu như các nhà lãnh đạo lực lượng đối lập không điều tra rõ nguyên nhân cái chết của ông Younes và bắt những kẻ đã sát hại ông này.

 

Sau cái chết của ông Younes là một cuộc vượt ngục của khoảng 300 nhân vật trung thành với Gaddafi và một trận chiến giữa lực lượng nổi dậy và lực lượng dân quân giúp đỡ tù nhân bỏ trốn ở trung tâm thành phố Benghazi. Những dân quân này thuộc nhóm có tên gọi "Nedaa Libya" ("Tiếng gọi của Libya"). Đây không phải là một tổ chức chính thức được chính quyền lực lượng nổi dậy công nhận. Những lính chiến đấu tại Benghazi chưa từng nghi ngờ nhóm này là lực lượng trung thành của Gaddafi cho tới khi vụ vượt ngục xảy ra. Faraj al-Sharif, một lính chiến đấu của phe nổi dậy, ước tính lực lượng dân quân này có khoảng 1.000 người hoặc hơn.

 

Ông nói: "Trước đây, chúng tôi đã nghe về nhóm này nhưng không biết rằng họ là nội gián. Mỗi khi chúng tôi yêu cầu họ đầu hàng, họ dừng lại trong chốc lát rồi bắt đầu xả súng vào chúng tôi và hét lớn 'Allah, Muammar, Libya'." Sự ngờ vực lan rộng khắp Benghazi. Những người địa phương ở đây đối xử với tất cả mọi người bằng thái độ hoài nghi.

 

Lãnh đạo phe nổi dậy Mustafa Abdul-Jalil đã cố gắng làm nguôi ngoai sự giận dữ của dân chúng và đẩy lùi nguy cơ xảy ra thù địch bằng cách thúc giục dân quân hạ vũ khí hoặc nghe theo lệnh của Bộ Quốc phòng và Bộ Nội vụ. Hiện vẫn chưa rõ ông sẽ làm cách nào để thực hiện những lời hô hào ấy./.

Tin cùng chuyên mục