Phát hiện 1 loài vượn người từng ăn vỏ cây và gỗ

Các nhà khoa học phát hiện một loài vượn người, sống ở vùng Nam Phi cách đây 2 triệu năm, dùng loại thức ăn chủ yếu là vỏ cây và gỗ.
Theo kết quả nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Nature ngày 28/6, các nhà khoa học cho biết qua hóa thạch xương tìm được, họ đã xác định được một loài vượn người thấp lùn, sống bầy đàn ở vùng Nam Phi cách đây 2 triệu năm, đã dùng loại thức ăn chủ yếu là vỏ cây và gỗ.

Đây được xem là loài động vật họ người duy nhất mang đặc điểm trên.

Qua bốn bộ xương hóa thạch được phát hiện tại hang Malapa ở Nam Phi, phía Bắc Johannesburg, từ năm 2008 các nhà nhà nhân chủng học do Amanda Henry thuộc Viện Nhân chủng tiến hóa Max Planck (Đức) dẫn đầu khẳng định rằng loài vượn này có tên là sediba thuộc chi Australopithecus ( A. sediba).

Rất có thể những chú vượn người này đã bị đã rơi vào một cái hố trong hang động và tử vong.

Khác với những thế hệ vượn cổ trước đó thường chọn những thức ăn mềm như cỏ và cây bụi, A. sediba lại chọn chế độ thức ăn cứng hơn như vỏ cây và gỗ.

Để đi đến kết luận trên các nhà khoa học đã tiến hành kiểm tra mảng bám được gọi là calculus có trên răng của A. sediba từ hóa thạch của chúng.

Họ tiến hành công việc như một nha sỹ, bằng cách dùng một thiết bị nha khoa để tách hóa thạch bựa răng trên bề mặt của răng, sau đó soi mảng bám đó dưới kính hiển vi để nghiên cứu các vi hóa thạch thực vật (phytoliths).

Phytoliths là một dạng của vi hóa thạch thực vật được bảo tồn đến hàng ngàn năm, chúng thực ra là dạng silic điôxít nhỏ hoặc trầm tích canxi ôxalat có trong các loài cây.

Sau khi phát hiện ra các phytoliths cổ từ răng của A. sediba, các nhà khoa học đem so sánh chúng với phytoliths của các loài cây hiện đại ngày nay, và từ đó xác định loài vượn người này đã ăn những gì.

Henry cho biết đây là lần đầu tiên các nhà khoa học đã dùng phương pháp nha khoa để xác định phytoliths trong các bựa răng nhằm xác định chế độ thức ăn của một loài động vật có nguồn gốc gần gũi với tổ tiên của con người.

Các nhà khoa học trước đó đã dự đoán rằng chế độ ăn uống của A. sediba sẽ giống với các loài vượn người khác trong chi Australopithecus. Tuy nhiên, những gì họ phát hiện lại cho thấy điều ngược lại.

Trong tất cả 81 loài vượn người được thử nghiệm, thậm chí là cả loài Nutcracker Man vốn có hàm răng lớn và khỏe, cũng chỉ ăn các thực vật mềm như cỏ và cây bụi.

Các mô vỏ cây và gỗ, có chứa protein và đường hòa tan, trước đây chưa được ghi nhận trong thành phần chế độ ăn uống của động vật họ người ở châu Phi mà chỉ được tiêu thụ ở một số loài linh trưởng hiện đại.

Chế độ ăn uống của A. sediba được cho là tương tự loài tinh tinh hoang mạc châu Phi ngày nay.

Các nhà khoa học cũng cho biết A. sediba thực sự không giống bất kỳ một loài vượn người nào khác, không chỉ về chế độ ăn mà còn cả về cấu trúc bộ xương của chúng.

A. sediba có khả năng đi bằng hai chân, tuy nhiên cấu trúc bàn chân lại chứng tỏ loài vật này đã có một thời gian dài leo cây. Vì vậy, bộ xương của loài vượn này là một sự kết hợp giữa cấu trúc xương hiện đại và cả những tính năng nguyên thủy khác.

Với những phát hiên trên các nhà nghiên cứu đã khẳng định rằng A. sediba là một loài vượn người đặc biệt và có chế độ ăn kỳ lạ nhất trong các loài vật thuộc họ người./

Thạch Thảo (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục