Quốc hội nghe báo cáo thẩm tra một số dự luật

Chiều 12/11, đại biểu Quốc hội nghe Tờ trình và báo cáo thẩm tra dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng dân sự.
Chiều 12/11, đại biểu Quốc hội làm việc tại Hội trường, nghe Tờ trình và báo cáo thẩm tra hai dự thảo: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng dân sự; Luật hợp tác xã (sửa đổi).

Khắc phục những hạn chế trong thi hành Bộ luật tố tụng dân sự

Tờ trình về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng dân sự nêu rõ, những năm qua, Bộ luật tố tụng dân sự đã góp phần quan trọng trong việc bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức và đã góp phần bảo đảm trình tự và thủ tục tố tụng dân sự dân chủ, công khai, đơn giản, thuận lợi cho người tham gia tố tụng thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình; đề cao vai trò, trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức trong hoạt động tố tụng dân sự. Bộ luật tố tụng dân sự đã góp phần bảo đảm cho việc giải quyết các vụ việc dân sự được nhanh chóng, chính xác, công minh và đúng pháp luật.

Tuy nhiên, qua thực tiễn thi hành cho thấy một số quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự đã bộc lộ những hạn chế, bất cập. Có những quy định mâu thuẫn với các văn bản quy phạm pháp luật khác; có quy định chưa phù hợp (hoặc không còn phù hợp), chưa đầy đủ, thiếu rõ ràng và còn có những cách hiểu khác nhau. Trong Bộ luật còn có những quy định chưa đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự; chưa đáp ứng được các yêu cầu cam kết quốc tế đa phương và song phương.

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng dân sự bổ sung và bãi bỏ 61 điều, trong đó sửa đổi, bổ sung 43 điều; bổ sung 12 điều; bãi bỏ 6 điều. Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung tập trung vào 7 nhóm vấn đề, gồm: sửa đổi, bổ sung đối với các điều khoản liên quan đến những quy định chung như về những nguyên tắc cơ bản; thẩm quyền của Tòa án; người tham gia tố tụng dân sự và những người tham gia tố tụng khác; chứng minh và chứng cứ; áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời và thời hạn tố tụng...

Dự thảo Luật còn có một số vấn đề có ý kiến khác nhau như việc kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự; Hội đồng định giá; thời hiệu giải quyết vụ việc dân sự thời hiệu giải quyết vụ việc dân sự; vấn đề buộc thực hiện biện pháp bảo đảm khi áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; quy định thẩm quyền Tòa án giải quyết việc công nhận sự thỏa thuận về quyền, lợi ích hợp pháp phát sinh từ quan hệ pháp luật dân sự; trường hợp bản án, quyết định hết thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm mới phát hiện có sai sót; xem xét lại quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao...

Về trường hợp bản án, quyết định hết thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm mới phát hiện có sai sót, Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng dân sự của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đồng tình với cách thể hiện của Dự thảo Luật cho rằng cần sửa lại Điều 284 về phát hiện bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật cần xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm và Điều 288 về thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm của Bộ luật Tố tụng dân sự.

Theo Ủy ban Tư pháp, quy định của Bộ luật tố tụng dân sự hiện hành có nhiều trường hợp gần hết thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm Tòa án mới nhận được đơn khiếu nại của đương sự nên không có đủ thời gian để xem xét. Mặt khác, thực tế cũng có trường hợp đương sự gửi đơn trong thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm nhưng không được người có thẩm quyền xem xét hoặc không kịp thời phát hiện các sai sót, do đó khi phát hiện có sai lầm của bản án, quyết định của Tòa án thì đã hết thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích chính đáng của đương sự nhưng không có cơ chế để giải quyết.

Do vậy, để tháo gỡ, khắc phục những vướng mắc nêu trên, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung Điều 284 và Điều 288 nhằm tháo gỡ được những vướng mắc trong thực tiễn thi hành Bộ luật tố tụng dân sự.

Cần giải quyết triệt để một số bất cập ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của khu vực hợp tác xã

Tờ trình dự án Luật hợp tác xã (sửa đổi) nêu rõ: Sau 6 năm thực hiện, Luật Hợp tác xã năm 2003 đã đạt được một số kết quả, tạo thuận lợi hơn cho các tổ chức kinh tế tập thể phát triển so với khung pháp luật thời kỳ trước đây. Luật đã góp phần th úc đẩy việc tổ chức lại và khuyến khích thành lập mới hợp tác xã, tiếp tục đơn giản hóa và minh bạch hóa thủ tục thành lập và đăng ký kinh doanh hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã. Tạo điều kiện cho hợp tác xã được hình thành dựa trên sở hữu của xã viên và sở hữu tập thể, thúc đẩy xã viên hợp tác xã, bao gồm cả thể nhân và pháp nhân, cùng góp vốn, góp sức, cùng có lợi...

Tuy nhiên, Luật Hợp tác xã còn có một số bất cập cần phải sửa đổi, bổ sung nhằm thúc đẩy phát triển hợp tác xã một cách vững chắc hơn. Đó là Luật chưa thể hiện rõ bản chất tổ chức hợp tác xã, sự khác biệt về bản chất giữa tổ chức hợp tác xã với doanh nghiệp và với tổ chức xã hội-từ thiện; chưa quan tâm thích đáng nội hàm “hợp tác” của tổ chức hợp tác xã; chưa làm thật rõ lợi ích và vai trò người chủ của xã viên khi tham gia hợp tác xã, mục tiêu của hợp tác xã và mối quan hệ giữa nghĩa vụ, trách nhiệm, lợi ích của xã viên và hợp tác xã.

Luật Hợp tác xã năm 2003 chưa làm rõ tính chất phục vụ xã viên của tổ chức hợp tác xã; quy định về quản lý nhà nước đối với hợp tác xã còn thiếu, hoặc chưa đủ rõ, cụ thể, hoặc không còn thích hợp, còn hạn chế về chế tài xử lý vi phạm pháp luật; Luật chưa có các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển hợp tác xã phù hợp với bản chất của hợp tác xã và phù hợp với hội nhập kinh tế quốc tế, do vậy chưa góp phần thúc đẩy phát triển hợp tác xã một cách bền vững.

Dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) bao gồm 09 Chương, 85 Điều; giảm 01 chương so với Luật Hợp tác xã năm 2003 (bỏ Chương về khen thưởng và xử lý vi phạm); tăng thêm 34 điều so với Luật Hợp tác xã năm 2003, chủ yếu làm rõ hơn bản chất, tổ chức quản lý của hợp tác xã; quyền, nghĩa vụ của hợp tác xã, thành viên hợp tác xã; tiếp thu những quy định pháp luật mang tính cơ bản, ổn định lâu dài được quy định tại Nghị định 177/ 2004/NĐ-CP ngày 12/10/2004 và Nghị định 87/2005/NĐ-CP ngày 11/7/2005 nhằm bảo đảm tính toàn diện của Luật, đồng thời nhằm hạn chế tối đa việc ban hành văn bản dưới Luật; tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thành lập và hoạt động.

Dự thảo Luật có những nội dung mới như đã quy định rõ hơn về bản chất tổ chức hợp tác xã; bảo đảm của Nhà nước đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; phạm vi điều chỉnh và đối tượng tham gia hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; sửa đổi bổ sung về thủ tục hành chính, về tổ chức, quản lý hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; Bổ sung quy định về tài chính hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.

Dự thảo Luật quy định rõ hơn về quản lý nhà nước và cơ quan quản lý nhà nước đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo hướng: Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã. Bộ Kế hoạch và Đầu tư giúp Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nhằm tập trung chức năng quản lý nhà nước vào một hệ thống cơ quan thống nhất từ trung ương tới địa phương và tạo điều kiện cho hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã phát triển…

Báo cáo thẩm tra dự thảo Luật hợp tác xã (sửa đổi) của Ủy ban kinh tế của Quốc hội cho rằng kết cấu của dự thảo Luật nhìn chung còn dài, một số điều lặp lại các quy định trong các luật khác. Dự thảo Luật nhìn chung vẫn chưa giải quyết triệt để một số bất cập hiện đang gây ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển bền vững của khu vực hợp tác xã. Cụ thể, các quy định của dự thảo Luật vẫn chưa làm rõ được hai vấn đề có tính căn bản đặt ra hiện nay của các hợp tác xã. Đó là làm rõ và khẳng định được bản chất, tính đặc thù của hợp tác xã trong tương quan với các loại hình doanh nghiệp khác; chính sách, cơ chế khuyến khích, hỗ trợ phù hợp và chế tài xử lý các hành vi vi phạm, tạo điều kiện cho hợp tác xã phát triển nhưng không sai lệch bản chất. Nhiều quy định trong dự thảo Luật còn rất chung chung, khó áp dụng, một số quy định chưa dựa trên việc xem xét, cân nhắc kỹ tình hình thực tế và điều kiện cụ thể của các hợp tác xã đang tồn tại, dẫn đến nếu áp dụng sẽ lại gây ra những khó khăn cho sự phát triển khu vực hợp tác xã.

Về việc bổ sung việc thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động của quỹ tín dụng nhân dân vào phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Luật, Ủy ban Kinh tế cho rằng nhận thấy quỹ tín dụng nhân dân là tổ chức tín dụng do các pháp nhân, cá nhân và hộ gia đình tự nguyện thành lập dưới hình thức hợp tác xã để thực hiện một số hoạt động ngân hàng theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng và Luật hợp tác xã. Tuy nhiên, Luật các tổ chức tín dụng đã quy định rõ ràng về việc thành lập, tổ chức, hoạt động, kiểm soát đặc biệt, tổ chức lại, giải thể các tổ chức tín dụng trong đó có quỹ tín dụng nhân dân.

Trên thực tế, hoạt động của quỹ tín dụng nhân dân, bao gồm cả huy động vốn và cho vay đã mở rộng đến cả các đối tượng không phải là xã viên; nếu việc tổ chức, hoạt động của quỹ tín dụng nhân dân cũng áp dụng theo các quy định của dự thảo Luật (ví dụ về thành lập, phân phối lợi nhuận, về xử lý tài sản không chia khi phá sản...) thì sẽ xảy ra tình trạng chồng chéo trong các văn bản pháp luật và khó khăn trong triển khai thực hiện.

Ngoài ra, nếu chỉ bổ sung quỹ tín dụng nhân dân vào phạm vi điều chỉnh như quy định của dự thảo Luật cũng sẽ không đầy đủ, vì không tính đến ngân hàng hợp tác xã (là ngân hàng của tất cả các quỹ tín dụng nhân dân do các quỹ tín dụng nhân dân và một số pháp nhân góp vốn thành lập, hoạt động với mục tiêu phát triển của hệ thống quỹ tín dụng nhân dân).

Ủy ban Kinh tế đề nghị cần nghiên cứu, rà soát và có quy định cụ thể những hoạt động của quỹ tín dụng nhân dân, ngân hàng hợp tác xã mang tính nguyên tắc chung của mô hình hợp tác xã sẽ được điều chỉnh tại dự thảo Luật, những hoạt động mang tính chuyên ngành thì áp dụng theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng./.

Nguyễn Bích Thủy (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục