Nhọc nhằn kiếm sống để theo nghề nuôi dạy trẻ

Lương thấp, giáo viên mầm non đã phải làm thêm để kiếm sống như bán bánh mì, nấu rượu... Nhưng tình yêu trẻ vẫn giữ họ lại với nghề.
Chăm lo từng bữa cơm, giấc ngủ cho các em nhỏ, dạy các em những bài học đầu tiên, các cô giáo mầm non chính là những người mẹ hiền ươm mầm xanh tương lai cho đất nước.

Chiều nay, ngày 26/5, 151 cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non xuất sắc nhất cả nước đã có mặt tại Hà Nội để nhận bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại buổi Giao lưu cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non tiêu biểu toàn quốc năm 2010. Mỗi người một vùng miền nhưng ở họ đều chung tình yêu thương, lòng nhiệt huyết với nghề.

Bán bánh mì để theo nghề


Nhớ lại những ngày đầu vào nghề, Phó hiệu trưởng Trường Mầm non bán công Măng Non (Hội An, Quảng Nam) Nguyễn Thị Xuân không khỏi ngậm ngùi. Đồng lương giáo viên mầm non ít ỏi nên để kiếm thêm thu nhập chăm sóc gia đình, cô đã phải làm thêm rất nhiều nghề.

Hàng ngày, cô Xuân phải dậy từ 3 giờ sáng, đi nhận bánh mì để bán lại cho các quán bán lẻ. Việc giao hàng cho các quán cô cũng phải làm thật nhanh để 5 giờ 30 về nhà, lo bữa sáng cho cả gia đình và 6 giờ 15 đến trường. Sau một ngày miệt mài với công việc, khi các cháu đã được đón về, cô lại cặm cụi đến các quán thu tiền, mang về thanh toán với chủ lò bánh.

Không chỉ bán bánh, cô còn phải tranh thủ thời gian để nấu rượu bán, nuôi lợn, trồng rau… “Mỗi ngày có khi chỉ được ngủ vài tiếng, vất vả nhưng tôi vẫn phải cố gắng hết sức mình vì chỉ trông vào lương thì không đủ sống,” cô Xuân chia sẻ.

Khó khăn là thế, nhưng vì tình yêu thương với trẻ nên cô vẫn cố gắng theo nghề. Để trở thành một cán bộ quản lý mầm non giỏi như hôm nay, cô đã phải nỗ lực rất nhiều. Và chính từ những khó khăn của bản thân, hơn ai hết, người hiệu trưởng này hiểu rất rõ những khó khăn của đồng nghiệp, nhất là những cô giáo trẻ mới vào nghề. “Hiện một giáo viên mới được trả lương hơn 1 triệu đồng/tháng. Với mức sống hiện tại, khoản tiền này rõ ràng không đủ để họ lo cho bản thân và gia đình nên tôi luôn phải động viên họ cố gắng. Tuy nhiên, cũng có nhiều giáo viên trẻ xin về rồi lại đi,” cô Xuân tâm sự.

Vấn đề lương cũng là mối băn khoăn của Hiệu trưởng Trường Mầm non Đông Hoàng (Đông Hưng, Thái Bình) Nhâm Minh Tứ. “Lương thấp nên nhiều người không mặn mà, nhiệt tình với nghề,” cô Tứ cho biết. Để nâng cao đời sống cho giáo viên, cô Tứ đã phải đa dạng hóa hoạt động của trường như tổ chức ăn sáng, ăn trưa cho các cháu, nhận trông thêm ngoài giờ vào các ngày cuối tuần để giáo viên có thêm thu nhập.

Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa, hầu hết cán bộ giáo viên mầm non đều là nữ, các chị vừa phải gánh vác việc nhà, lo việc trường và chăm sóc các con. Tuy nhiên, đến nay, 56% giáo viên mầm non vẫn là diện ngoài biên chế, mức thu nhập thấp, chủ yếu là dựa vào học phí. Cường độ lao động rất lớn nhưng chế độ chính sách bất hợp lý nên chưa tạo được động lực để giáo viên tự rèn luyện về phẩm chất, nâng cao năng lực chăm sóc các cháu.

Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học vô cùng thiếu thốn, đồ dùng, đồ chơi phục vụ hoạt động giáo dục và chăm sóc trẻ chủ yếu là tự làm cũng là một trong những khó khăn của cán bộ quản lý và giáo viên mầm non hiện nay.  

Động lực lớn nhất là tình yêu thương

Hầu hết các giáo viên mầm non đều chia sẻ, dù thu nhập thấp nhưng động lực lớn nhất giúp họ đứng vững và gắn bó với nghề là tình yêu thương với học trò, với những em nhỏ. Những đôi mắt to tròn, trong veo và ngây thơ, những bước đi lon ton ngộ nghĩnh của các em là sợi dây chặt chẽ nhất níu kéo họ với mái trường.

Mồ côi mẹ từ lúc mới ba tuổi, bố thường xuyên đi làm xa, Trương Thị Minh Hương phải ở với cô ruột. Tuổi thơ thiếu vắng tình yêu thương của người mẹ đã ấp ủ trong Hương một tình thương bao la với những em nhỏ.

Học hết trung học phổ thông, trong khi bạn bè đua nhau thi vào các trường đại học với đủ các ngành nghề thì Hương âm thầm nộp hồ sơ vào trường Trung học sư phạm Nha Trang. Ra trường, Hương về trường Mầm non Hoa Hồng, thị trấn Đồng Hới của tỉnh Quảng Bình.

Và với những nỗ lực của mình, cô nhanh chóng được giao giữ vị trí Hiệu trưởng của trường. “Bản thân là trẻ mồ côi nên tôi thực lòng yêu thương và muốn giúp đỡ tất cả các em nhỏ, là một người mẹ thứ hai của các em,” Hiệu trưởng Trương Thị Minh Hương chia sẻ.

Cũng giống như cô Hương, tình yêu thương với trẻ là một mạch nguồn bất tận trong tâm hồn của Lò Thị Siêu, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Ban, Mai Châu, Hòa Bình.

Đã từng là một cán bộ quản lý của Sở Giáo dục và Đào tạo Hòa Bình nhưng niềm yêu trẻ, yêu nghề đã khiến cô quyết định trở về Trường Mầm non Hoa Ban. Những ngày mới về trường, cô Siêu đã phải đi khắp vùng để vận động người dân cho trẻ đến trường. Đến nay, tỷ lệ ra lớp của trẻ ở Mai Châu đã đạt 98%, trong đó các cháu ở tuổi mẫu giáo ra lớp là 100%.

Một thách thức lớn khác với cô Siêu là 86% số trẻ của trường là người dân tộc Thái, hầu hết các em đều giao tiếp bằng tiếng dân tộc nên giáo viên phải dạy song ngữ. Bên cạnh việc chăm sóc, mỗi cô đều phải cố gắng rèn cho trẻ về tiếng Việt. Khó khăn là thế nhưng cô chưa bao giờ ân hận về quyết định “lội ngược dòng” của mình./.

Phạm Mai (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục