Bảo đảm tốt an sinh xã hội và phúc lợi xã hội

Bảo đảm tốt an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống nhân dân là vấn đề thu hút quan tâm của nhiều đại biểu Quốc hội.
Sáng 22/10, các đại biểu Quốc hội làm việc tại tổ thảo luận về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2010 và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2011.

Ý kiến của nhiều đại biểu thảo luận bày tỏ quan điểm tán thành với mục tiêu tổng quát trong năm 2011 do Chính phủ đề xuất, đó là tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát; trên cơ sở đó, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn năm 2010 gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và chuyển đổi cơ cấu, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống nhân dân; tăng cường ổn định chính trị xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế.

Các đại biểu cũng tán thành với một số giải pháp để ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ như triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp nhằm cải thiện cán cân thanh toán, tập trung vào đẩy mạnh xuất khẩu, quản lý tốt nhập khẩu, kiểm soát lạm phát ở mức khoảng 7% trên cơ sở điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, áp dụng tỷ giá, lãi suất phù hợp theo nguyên tắc thị trường...

Một số đại biểu đề nghị Chính phủ phân tích rõ một số nội dung như nhập siêu còn cao so với điều kiện kinh tế Việt Nam, vấn đề khống chế lạm phát... 

Đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội) tâm đắc với đề xuất của Chính phủ về việc tái cầu trúc nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tập trung vào phát triển công nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh, giảm tỷ trọng công nghiệp khai thác, tăng tỷ trọng công nghiệp chế tác có giá trị tăng cao và công nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu; tiến tới chấm dứt xuất khẩu khoáng sản thô, phát triển công nghiệp hỗ trợ...

Đại biểu cho rằng cần phải nghiên cứu để có cơ cấu kinh tế hợp lý tập trung vào năng suất và chất lượng; lộ trình và các bước triển khai tái cấu trúc nền kinh tế cần chuẩn bị kỹ lưỡng...

Bảo đảm tốt an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống nhân dân là vấn đề lớn thu hút sự quan tâm của nhiều đại biểu.

Đại biểu Nguyễn Thị Hoa (Hà Nội) nhận xét có những định hướng Chính phủ đưa ra nhưng những giải pháp lại không rõ ràng để thực hiện.

Đại biểu dẫn chứng: giải pháp đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn không cụ thể dẫn đến hiệu quả thấp. Đại biểu nêu thực trạng chỉ có những tỉnh có tiềm năng lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh là có vốn để đầu tư cho nông nghiệp còn những tỉnh khác rất hạn chế dẫn đến việc phát triển nông nghiệp nông thôn còn nhiều vấn đề phải bàn.

Nhiều ý kiến đề xuất tiếp tục đầu tư xây dựng nguồn nhân lực coi đây là khâu then chốt để có sự phát triển nhanh và bền vững. Bàn về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Hoa nên thực trạng việc ồ ạt "mọc" ra các trường đại học nhưng chất lượng "không ổn" vì điểm tuyển dụng đầu vào quá thấp. Đại biểu đề nghị cần xem xét lại vấn đề này và đặt câu hỏi liệu đó có phải là lãng phí nguồn lực cho xã hội hay không? Đại biểu Huỳnh Phước Long (Trà Vinh) cho rằng một trong những giải pháp để thực hiện được mục tiêu đề ra trong năm 2011 đó là phải tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cần chuyển mạnh đào tạo theo nhu cầu của người sử dụng và đáp ứng đòi hỏi của xã hội...

Cải cách thủ tục hành chính là vấn đề được nhiều đại biểu đánh giá là khâu quan trọng để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ trong năm 2011, đại biểu Nguyệt Hường khẳng định đó "là con đường ngắn nhất để phát triển". Đại biểu Bùi Duy Nhâm (Hà Nội) đề nghị cải cách thủ tục hành chính cần được thực hiện khẩn trương và quyết liệt hơn, tạo nền hành chính công khai, minh bạch, thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Đại biểu đề xuất trao thêm quyền đồng thời với trách nhiệm cho người đứng đầu.

Nhiều đại biểu đã đề cập thực tế thiếu điện nghiêm trong thời gian vừa qua. Đại biểu Nguyễn Văn Sỹ (Quảng Nam) bày tỏ lo lắng về việc thiếu điện đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống của người dân và sản xuất của doanh nghiệp, ảnh hưởng tới hình ảnh của Việt Nam đối với bạn bè quốc tế. Đại biểu đề xuất nghiên cứu lại cơ chế quản lý cũng như vấn đề giá điện để việc sử dụng điện năng được hiệu quả hơn./.

Quỳnh Hoa (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục