Trung Đông, Bắc Phi thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Những thay đổi ở Trung Đông và Bắc Phi, đã mở ra cơ hội đặt nền tảng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, bao quát hơn về xã hội.
Ngày 27/4, trong báo cáo về triển vọng kinh tế khu vực Trung Đông và Bắc Phi, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhấn mạnh những thay đổi đang diễn ra ở khu vực này, đã mở ra cơ hội dài hạn để đặt nền tảng thúc đẩy một mô hình tăng trưởng bền vững hơn về kinh tế và bao quát hơn về xã hội.

Tuy nhiên, về ngắn hạn, khu vực này đang đứng trước nhiều thách thức do giá hàng hóa tăng cao và các hoạt động kinh tế bị gián đoạn.

Masood Ahmed, Giám đốc khu vực Trung Đông và Trung Á của IMF lưu ý rằng thách thức trực tiếp đối với các nền kinh tế trong khu vực là duy trì gắn kết xã hội và ổn định nền kinh tế vĩ mô.

Trung Đông và Bắc Phi có thể thúc đẩy các nền kinh tế khu vực với chương trình nghị sự phát triển bao quát hơn, chú trọng đến khía cạnh xã hội của tăng trưởng kinh tế, cải thiện quản trị nền kinh tế và tạo ra các cơ hội bình đẳng hơn đối với cộng đồng dân cư trẻ đang tăng nhanh trong khu vực, cải thiện mạng an sinh xã hội và giải quyết nạn thất nghiệp.

Báo cáo của IMF dự báo do sản lượng khai thác và giá dầu mỏ đều tăng cao, các nước xuất khẩu dầu trong khu vực này có thể tăng hơn gấp đôi thặng dư tài khoản vãng lai lên tới 380 tỷ USD trong năm 2011. Nhờ đó, tăng trưởng kinh tế của các nước này có thể đạt 4,9% trong năm 2011.

Mặc dù chi phí tăng thêm do giá dầu và hàng hóa tăng có thể lên tới 15 tỷ USD, tương đương với 3% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) nhưng xu thế tăng trưởng của các nước nhập khẩu dầu lửa trong khu vực vẫn tích cực và có thể duy trì tăng trưởng 2,3% trong năm nay.

Tuy nhiên, IMF cảnh báo rằng tăng trưởng kinh tế trong các năm qua ở Trung Đông và Bắc Phi không tạo ra đủ việc làm cho lực lượng lao động đang tăng nhanh của khu vực. Vì vậy, về ngắn hạn, các nhà hoạch định chính sách trong khu vực cần tập trung đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, tạo ra nhiều việc làm đồng thời sử dụng các biện pháp kích thích kinh tế để khuyến khích phát triển các công ty vừa và nhỏ nhằm thu hút nhiều lao động, thúc đẩy chiến lược toàn diện về việc làm.

Mỗi nước cần tìm cho mình con đường phát triển riêng phù hợp với tình hình mỗi nước, nhưng cần đáp ứng một số mục tiêu chung như ổn định môi trường kinh tế vĩ mô để tạo niềm tin và hấp dẫn đầu tư, thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế tư nhân để tạo ra nhiều việc làm thu hút lực lượng lao động trẻ đang tăng nhanh, đảm bảo an sinh xã hội cho những người dễ bị tổn thương về xã hội, xây dựng thể chế mạnh, có trách nhiệm và minh bạch nhằm đảm bảo quản trị tốt nền kinh tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục