Đã có hơn 8 triệu lượt ý kiến góp ý sửa đổi Hiến pháp

Theo Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, sau 3 tháng triển khai, có hơn 8 triệu ý kiến của các tầng lớp nhân dân góp ý sửa đổi Hiến pháp.
Sau 3 tháng triển khai , đợt lấy ý kiến nhân dân góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã thu hút sự quan tâm và tham gia tích cực của mọi tầng lớp nhân dân.

Với vai trò và trách nhiệm của mình, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên đã tổ chức nhiều cuộc lấy ý kiến đóng góp với hình thức, nội dung và đối tượng phong phú, đa dạng, thiết thực, phát huy quyền làm chủ và trí tuệ của các tầng lớp nhân dân tr ong cả nước.

Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổng hợp được nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm để gửi đến Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Huỳnh Đảm, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về vấn đề này:

- Ông đánh giá như thế nào về những kết quả đạt được sau 3 tháng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên triển khai việc lấy ý kiến của nhân dân góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992?

Chủ tịch Huỳnh Đảm: Quán triệt Nghị quyết 38 của Quốc hội và Chỉ thị 22 của Bộ Chính trị, gần 3 tháng qua, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phối hợp với các tổ chức thành viên tổ chức để nhân dân góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, thiết thực từ Trung ương đến cơ sở, có nơi tổ chức tới cộng đồng dân cư, kể cả lấy ý kiến tới từng hộ gia đình.

Theo tổng hợp chưa đầy đủ, qua hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, có hơn 8 triệu ý kiến của các tầng lớp nhân dân góp ý cho việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992.

Có thể thấy, các tầng lớp nhân dân từ nhân sỹ, trí thức, người tiêu biểu trong các dân tộc, các chức sắc tôn giáo, kể cả người Việt Nam ở nước ngoài rất tâm huyết, nhiệt tình đóng góp nhiều ý kiến trách nhiệm, trí tuệ để sửa đổi, bổ sung Hiến pháp. Qua đây, thể hiện quyền làm chủ của nhân dân đối với đất nước, đối với việc việc xây dựng xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, góp phần làm cho đợt sinh hoạt chính trị, pháp lý sâu rộng trong toàn dân, trong hệ thống chính trị trở thành hiện thực sinh động trên đất nước ta.

- Thưa ông, qua tổng hợp ý kiến đóng góp, nổi lên những vấn đề gì đang được người dân đặc biệt quan tâm?

Chủ tịch Huỳnh Đảm: Có thể nói, những ý kiến đóng góp của nhân dân khá toàn diện, phong phú. Trong quá trình thảo luận, tuy có những ý kiến khác nhau nhưng nhìn chung đều đồng tình, ủng hộ bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 do Quốc hội công bố. Trong đó, nổi lên một số vấn đề lớn như sau:

Thông qua sửa đổi Hiến pháp, các tầng lớp nhân dân mong muốn làm sao hiến định rõ vấn đề dân chủ, quyền làm chủ nhân dân, về vấn đề đại đoàn kết toàn dân tộc.

Các tầng lớp nhân dân đề nghị tiếp tục hiến định vai trò lãnh đạo của Đảng. Không chỉ khẳng định Đảng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội mà còn là lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước và xã hội.

Đảng không chỉ liên hệ, gắn bó mật thiết với nhân dân mà còn thực sự là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân. Đảng không chỉ chịu trách nhiệm trước những quyết định của mình mà còn phải chịu trách nhiệm trước nhân dân về sự lãnh đạo toàn diện của mình đối với đất nước và xã hội. Mọi tổ chức Đảng và đảng viên không chỉ hoạt động theo khuôn khổ của Hiến pháp và pháp luật mà phải thực sự gương mẫu trong việc chấp hành Hiến pháp và pháp luật.

Từ đó, nhiều ý kiến góp ý, hiến định rõ cơ chế để Đảng thực thi vai trò lãnh đạo của mình và hiến định rõ cơ chế để nhân dân giám sát, tham gia xây dựng Đảng một cách cụ thể và thiết thực.

Hầu hết ý kiến đề nghị tiếp tục khẳng định nhà nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước của dân, do dân, vì dân, mọi quyền lực thuộc về nhân dân. Nhiều ý kiến đóng góp phải hiến định rõ cơ chế để nhân dân thực hiện quyền lực của mình. Nhiều ý kiến kiến nghị hiến định rõ vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, là bộ phận trong hệ thống chính trị nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp nhân dân.

Mặt trận phải có vai trò trong việc xây dựng, tập hợp, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc và đoàn kết quốc tế, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội để động viên nhân dân xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, thực hiện tốt vai trò giám sát và phản biện xã hội.

Các ý kiến đóng góp đề nghị hiến định rõ Đảng, Nhà nước phải có trách nhiệm, cơ chế để đảm bảo cho Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội phát huy tốt vai trò của mình.

Qua thảo luận, các ý kiến cũng hoan nghênh Dự thảo đã đề cập, bổ sung khá đầy đủ về quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân. Đây là bước tiến mới. Nhiều ý kiến mong muốn hiến định rõ vấn đề quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân chứ không dừng ở tầm luật định.

Bên cạnh đó, một trong những nội dung nhận được sự quan tâm thảo luận sôi nổi, thậm chí tranh luận là về vấn đề đất đai. Người dân mong muốn tiếp tục hiến định đất đai là sở hữu toàn dân. Vấn đề đặt ra là phải có cơ chế bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được giao quyền sử dụng đất, tránh tình trạng tùy tiện, thiếu thỏa đáng trong thu hồi, đền bù.

Cùng với những nội dung trên, một trong những vấn đề nhận được nhiều quan tâm là việc tiếp tục hiến định vai trò của Quân đội nhân dân Việt Nam và Công an nhân dân. Đây là đội quân cách mạng, không chỉ trung thành với Đảng mà còn trung thành với Tổ quốc, trung thành với nhân dân và không chỉ bảo vệ Đảng, mà còn bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân và bảo vệ chế độ.

Về mặt kỹ thuật lập hiến, nhiều ý kiến góp ý cần khái quát, súc tích, rõ ràng từ Lời nói đầu đến các chương, điều, khoản để khi ban hành, đảm bảo dễ hiểu, dễ thực thi.

- Xin ông cho biết, đồng bào đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài đã gửi tới Mặt trận Tổ quốc Việt Nam những tâm tư, nguyện vọng như thế nào qua đợt góp ý sửa đổi Hiến pháp lần này?

Chủ tịch Huỳnh Đảm: Đồng bào ta ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời của dân tộc Việt Nam. Ý thức và nhận thức sâu sắc vấn đề này, trong quá trình tổ chức để các tầng lớp nhân dân góp ý kiến sửa đổi Hiến pháp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng đã tập trung tổ chức cho đại diện của đồng bào đang sinh sống ở nước ngoài góp ý vào sửa đổi Hiến pháp.

Ngoài việc tổ chức lấy ý kiến đóng góp trực tiếp, còn thông qua các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài, các tổ chức, các hội liên lạc của người Việt Nam ở nước ngoài, kể cả có những ý kiến gửi thẳng về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Qua đó, thấy rõ sự quan tâm của kiều bào ta đối với một sự kiện trọng đại của đất nước.

Hầu hết các ý kiến hoan nghênh việc công bố, tổ chức lấy ý kiến rộng rãi các tầng lớp nhân dân, trong đó có đồng bào ta đang sinh sống ở nước ngoài về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đồng thời hoan nghênh việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát huy vai trò của mình trong việc tổ chức lấy ý kiến của bà con, thể hiện sinh động, sâu sắc sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và Mặt trận đối với kiều bào.

Trong quá trình góp ý, đồng bào bày tỏ nguyện vọng thông qua việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp, hiến định vấn đề huy động sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, không chỉ ở trong nước mà của cả bè bạn trên thế giới để xây dựng và bảo vệ đất nước. Đồng bào mong muốn có cơ chế tạo điều kiện, cơ hội để đóng góp xây dựng đất nước, không chỉ về vốn mà cả về chất xám, lòng nhiệt huyết. Một vấn đề khác hiến định cơ chế bảo hộ công dân Việt Nam và người Việt đang sinh sống ở nước ngoài trong điều kiện hội nhập.

- Tới đây, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm như thế nào trong việc đóng góp sửa đổi, bổ sung Hiến pháp, thưa ông?

Chủ tịch Huỳnh Đảm: Với trách nhiệm của mình, xuyên suốt trong thời gian vừa qua cũng như sắp tới, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ cùng các tổ chức thành viên phối hợp với các cơ quan Nhà nước ở Trung ương cũng như chính quyền địa phương tiếp tục tổ chức để nhân dân đóng góp vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 tới ngày 30/9/2013.

Với hơn 8 triệu ý kiến của các tầng lớp nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ có trách nhiệm tổng hợp một cách đầy đủ, trung thực để gửi đến Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và Quốc hội theo quy định. Về phía mình, thông qua việc lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng sẽ có bản bày tỏ chính kiến, góp ý vào Dự thảo với mong muốn góp phần để bản Hiến pháp lần này thực sự là Hiến pháp của dân, thể hiện được ý chí, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân trong thời kỳ mới./.

Thanh Hòa (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục