ĐBSCL nâng sức chứa của hệ thống kho lương thực

Hệ thống kho lương thực được xây dựng tại 52 địa điểm thuộc 13 tỉnh thành phố vùng ĐBSCL và TP.HCM có sức chứa gần 4 triệu tấn.
Theo ngành lương thực các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, kế hoạch nâng cấp và xây mới hệ thống kho chứa lúa gạo tại khu vực này bảo đảm có sức chứa gần 4 triệu tấn được triển khai từ năm 2010 sẽ cơ bản hoàn tất vào cuối năm 2013.

Hệ thống kho được xây dựng tại 52 địa điểm thuộc 13 tỉnh thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Thành phố Hồ Chí Minh.

Hệ thống kho tại 6 tỉnh, thành phố có sản xuất lúa hàng hóa tập trung, thuận tiện về giao thông và cơ sở hạ tầng, gồm: Cần Thơ, Long An, Tiền Giang, An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang chiếm 70% tổng tích lượng kho. 30% tổng tích lượng kho còn lại được xây dựng tại các tỉnh có sản lượng lúa ít hơn, gồm: Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và thành phố Hồ Chí Minh.

Khi hoàn thành, hệ thống kho hoạt động theo cơ chế cơ giới hóa và tự động hóa nhằm nâng cao năng suất lao động và kiểm soát các thông số kỹ thuật trong quá trình bảo quản; trong đó, mức độ cơ giới hóa đạt 80%, còn 20% được tự động hóa.

Hệ thống kho chứa lúa có hai loại chính là silô và kho khung thép tiền chế với hệ thống nhà kho và các thiết bị vận chuyển, sấy, xay xát lúa, đánh bóng gạo, bảo đảm thực hiện cả hai chức năng dự trữ lúa và gạo; trong đó, hệ thống silô có tích lượng khoảng 860.000 tấn, tập trung tại các tỉnh trọng điểm như: Long An, Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ và Thành phố Hồ Chí Minh. Mỗi silô có sức chứa ít nhất 500 tấn, chủ yếu dùng để chứa lúa, được trang bị đồng bộ hệ thống sấy, băng tải tự động, đảo trộn, bảo đảm các yêu cầu về bảo quản lúa hàng hóa.

Hệ thống kho bằng khung thép tiền chế có tích lượng khoảng 3,14 triệu tấn, được trang bị máy sấy và sân phơi, bảo đảm các yêu cầu về chiếu sáng, thông gió, phòng chống sự xâm nhập của côn trùng và động vật gây hại, đặc biệt là khả năng chống thấm của các nền nhà kho, tường kho. Các máy móc thiết bị trong hệ thống kho được trang bị hiện đại nhằm kiểm soát quá trình công nghệ bảo quản - xay xát - đánh bóng - phân loại theo đúng yêu cầu kỹ thuật.

Việc nâng cấp, xây mới hệ thống kho nêu trên nhằm bảo đảm dự trữ, lưu thông 10 triệu tấn lúa/năm ở Đồng bằng sông Cửu Long trong khoảng thời gian tối đa là 6 tháng, bảo đảm thu mua hết lúa cho dân, giảm tổn thất sau thu hoạch, nâng cao hiệu quả sản xuất của người trồng lúa và nhà chế biến, xuất khẩu, chủ động điều tiết hoạt động sản xuất kinh doanh lúa gạo./.

Thế Đạt (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục