QH nghe báo cáo thi hành án và chống tội phạm

Sáng 4/11, các đại biểu Quốc hội đã nghe các báo cáo về công tác thi hành án, phòng chống vi phạm pháp luật và tội phạm năm 2009.
Sáng 4/11, Quốc hội đã nghe các báo cáo công tác thi hành án năm 2009; công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm năm 2009; báo cáo công tác của Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân tối cao.

Theo báo cáo của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường trình bày, nhìn chung năm 2009, công tác thi hành án dân sự đạt nhiều kết quả tích cực, việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo quyết liệt và triệt để hơn; tổ chức bộ máy thi hành án tiếp tục được kiện toàn; cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện làm việc của cơ quan thi hành án dân sự được tăng cường hơn...

Chính phủ đã chỉ đạo sát sao việc triển khai thực hiện Luật thi hành án dân sự và Nghị quyết của Quốc hội về việc thi hành luật này, thực hiện nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả thi hành án dân sự. Công tác quản lý, chỉ đạo thi hành án ở các cấp cũng từng bước được đổi mới, linh hoạt và sát sao hơn.

Tuy nhiên, bên cạnh những chuyển biến tích cực đó, công tác thi hành án dân sự năm 2009 còn một số hạn chế như số án tồn đọng chuyển sang năm sau còn nhiều, khâu chuẩn bị các văn bản hướng dẫn thi hành Luật thi hành án dân sự và Nghị quyết của Quốc hội chậm so với yêu cầu, việc kiện toàn tổ chức, cán bộ các cơ quan thi hành án dân sự cũng chưa đáp ứng được tiến độ.

Về thi hành án hình sự, các trại giam, trại tạm giam đã tăng cường giáo dục, dạy nghề cho phạm nhân; thực hiện các chế độ chính sách; cơ bản đảm bảo sức khỏe cho phạm nhân trong thời gian chấp hành án, quan tâm công tác phòng, chữa bệnh cho bệnh nhân; tăng cường cơ sở vật chất...

Tuy vậy, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cũng đánh giá công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành án hình sự còn chậm, khó áp dụng; tổ chức bộ máy làm công tác thi hành án hình sự chưa tập trung; đội ngũ cán bộ thực thi nhiệm vụ thi hành án hình sự thiếu biên chế.

Trên cơ sở những nhận định này, Chính phủ xác định nhiệm vụ trọng tâm của năm 2010 là thực hiện đồng bộ, hiệu quả Luật thi hành án dân sự, Nghị quyết của Quốc hội về việc thi hành luật này và các văn bản hướng dẫn thi hành; kiện toàn cơ bản tổ chức, bộ máy cán bộ, cơ quan thi hành án dân sự; đổi mới công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành tổ chức thi hành án.

Dự án Luật thi hành án hình sự cũng sẽ được chỉnh lý, hoàn thiện để trình Quốc hội xem xét thông qua;cùng với việc  tiếp tục tổ chức thực hiện tốt Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh thi hành án phạt tù...

Đánh giá về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm năm 2009, Bộ trưởng Bộ Công an Lê Hồng Anh nêu rõ tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cơ bản được giữ vững. Công tác đấu tranh trấn áp tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia kết hợp với đẩy mạnh tuyên truyền, đối ngoại đã tạo được sự đồng tình, ủng hộ của dư luận trong nước và quốc tế.

Tuy nhiên, hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn mới, tinh vi xảo quyệt…

Báo cáo của Bộ trưởng nhận định công tác phòng ngừa, đấu tranh chống vi phạm pháp luật và tội phạm trong thời gian tới sẽ khó khăn và phức tạp hơn. Bởi vậy, để thực hiện có hiệu quả công tác này, cả nước cần tập trung thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự gắn chặt với thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội; phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm.

Cũng trong sáng 4/11, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trương Hòa Bình đã trình bày báo cáo công tác về công tác của toà án và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Trần Quốc Vượng đọc báo cáo về công tác của viện kiểm sát.

Thẩm tra các báo cáo này, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nhận định các báo cáo đã cơ bản phân tích và phản ánh tương đối đầy đủ về công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Ủy ban này cũng đề nghị Chính phủ, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện kiểm sát Nhân dân tối cao sớm hoàn thiện các đề án về tổ chức các cơ quan tư pháp; bảo đảm tiến độ và chất lượng các dự án luật, pháp lệnh được phân công chủ trì soạn thảo; làm tốt công tác tổng kết thực tiễn hoạt động, hướng dẫn áp dụng pháp luật nhằm tháo gỡ kịp thời những vướng mắc phát sinh. Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tăng cường các biện pháp phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; kiện toàn, nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục