Chứng khoán châu Á tiếp tục tăng phiên đầu tuần

Trong khi chờ các quyết định từ Mỹ và châu Âu, các nhà đầu tư đã đẩy thị trường chứng khoán châu Á tăng điểm khi mở cửa phiên 10/9.
Các thị trường chứng khoán châu Á tăng điểm khi mở cửa phiên giao dịch ngày 10/9, nhờ những dự đoán gia tăng rằng số liệu việc làm yếu kém sẽ là lý do để Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) thông báo về biện pháp kích thích mới trong tuần này và châu Âu sẽ sử dụng các sự kiện chủ chốt trong tuần để kiềm chế cuộc khủng hoảng nợ.

Chỉ số MSCI của chứng khoán châu Á-Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) tăng 0,22%, sau khi tăng 2,2%, mức tăng theo ngày lớn nhất trong sáu tuần, trong phiên cuối tuần trước.

Chỉ số Hang Seng của Hong Kong tăng 69,29 điểm, hay 0,35%, lên 19.871,45 điểm. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc tăng 3,19 điểm, hay 0,17%, lên 1.932,77 điểm.

Chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải giảm 1,34 điểm, hay 0,06%, xuống 2.126,42 điểm. Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản mở cửa giảm 18,46 điểm, hay 0,21%, xuống 8.853,19 điểm.

Kinh tế Mỹ chỉ tạo thêm được 96.000 việc làm trong tháng Tám, thấp hơn nhiều so với mức dự đoán 125.000 và tỷ lệ thất nghiệp giảm từ 8,3% xuống 8,1%, chủ yếu là do tỷ lệ tham gia lực lượng lao động giảm. Báo cáo việc làm này đã dẫn đến dự đoán FED sẽ thông báo về một đợt nới lỏng định lượng mới tại cuộc họp trong hai ngày 12-13/9 tới.

Tại châu Âu, các sự kiện chính trong tuần này bao gồm phán quyết ngày 12/9 của Tòa án Hiến pháp Đức về quỹ cứu trợ thường trực của Khu vực đồng tiền chung (Eurozone).

Việc ủng hộ quỹ này sẽ mở đường cho việc viện trợ cho các nước đang phải chịu chi phí vay mượn cao như Tây Ban Nha. Nước này dự định sẽ thảo luận các điều kiện của chương trình mua trái phiếu của Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) với các bộ trưởng tài chính Eurozone trong tuần này.

Trong khi đó, các nhà tài trợ quốc tế, hiện đang ở Hy Lạp để đánh giá về các cải cách ở nước này trước khi cấp khoản vay tiếp theo giúp nước này tránh nguy cơ phá sản, đã bác bỏ một số phần trong gói các biện pháp khắc khổ trị giá gần 12 tỷ euro mà chính phủ nước này đưa ra.

Trong khi đó, sản lượng công nghiệp của Trung Quốc tăng chậm hơn trong tháng Tám, còn đầu tư vào tài sản cố định tăng ở mức hai con số cho thấy đầu tư cho cơ sở hạ tầng vẫn là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, lạm phát giá tiêu dùng tăng trong tháng Tám cho thấy khả năng tiến hành chính sách tiền tệ nới lỏng bị thu hẹp hơn./.

Lê Minh (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục