Khai mạc Kỳ họp Đại hội đồng LHQ khóa 64

Chiều 15/9, Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 64 đã khai mạc kỳ họp năm 2009 tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York (Mỹ).
Chiều 15/9, Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 64 đã khai mạc kỳ họp năm 2009 tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York (Mỹ).

Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 64 Ali Treki khai mạc kỳ họp với lời kêu gọi cải tổ Liên hợp quốc nhằm mở rộng Hội đồng Bảo an để cơ quan quyền lực cao nhất của Liên hợp quốc này đảm bảo đầy đủ sự đa dạng về địa chính trị và Đại hội đồng Liên hợp quốc có khả năng thực hiện được các nghị quyết của mình.

Ông Treki nhấn mạnh với cơ cấu tổ chức như hiện nay, chỉ nghị quyết của Hội đồng Bảo an gồm 15 thành viên mới có tính chất ràng buộc về pháp lý đối với các nước thành viên Liên hợp quốc, trong khi nghị quyết của Đại hội đồng 192 thành viên chỉ mang tính kêu gọi.

Trong tình hình thế giới mới, Đại hội đồng Liên hợp quốc đại diện cho toàn thế giới phải được cải tổ để giành lại quyền pháp lý nhằm làm cho tiếng nói của Đại hội đồng phải được tôn trọng và các nghị quyết của nó phải được thực hiện.

Chủ tịch Đại hội đồng khóa 64 khẳng định việc cải tổ Hội đồng Bảo an và tiếp sức sống mới cho Đại hội đồng Liên hợp quốc có tầm quan trọng quyết định để Liên hợp quốc thực hiện được vai trò của mình.

Ông kêu gọi các nước cần đối thoại và hiểu biết lẫn nhau để giải quyết các vấn đề, không thực hiện cấm vận và phong tỏa vì các biện pháp này vô hiệu quả và chỉ kích động hận thù và chống đối.

Ông lưu ý cần phải thu hẹp khoảng cách giàu nghèo đang giãn rộng vì trong một thế giới không bình đẳng, hòa bình và an ninh không thể thắng thế.

Ông kêu gọi thế giới cần có những nỗ lực vượt bậc để đạt được các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ và tiến tới một thế giới phi hạt nhân, loại trừ vũ khí này và các loại vũ khí giết người hàng loạt khác.

Kỳ họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 64 sẽ kéo dài đến tháng 9/2010.

Chương trình nghị sự kỳ họp năm nay gồm 155 đề mục, trong đó 43 đề mục liên quan các vấn đề duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, 20 đề mục liên quan thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế bền vững, 18 đề mục liên quan giải trừ quân bị, 57 đề mục liên quan vấn đề cải tổ Liên hợp quốc, cải tổ Hội đồng Bảo an, vấn đề tổ chức, tài chính ngân sách của Liên hợp quốc.

Các đề mục khác liên quan cuộc chiến chống ma túy, ngăn chặn tội ác có tổ chức và khủng bố, thúc đẩy công lý và luật quốc tế, phát triển châu Phi và phối hợp các hoạt động nhân đạo của Liên hợp quốc./.
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục