Cần chế tài mạnh hơn với các vụ nhập lậu thủy sản

Chế tài xử phạt yếu, lợi nhuận lớn khiến tình trạng nhập lậu thủy sản khu vực biên giới phía Bắc đang diễn biến ngày càng phức tạp.
Ông Đỗ Thanh Lam, Cục Phó Cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương khẳng định có tình trạng nhập lậu thủy sản từ Trung Quốc.

Trao đổi với phóng viên TTXVN trước thông tin gây xôn xao dư luận về việc trên thị trường xuất hiện hàng loạt các loại cá tầm, cá quả và ếch nhập lậu từ Trung Quốc, ông Đỗ Thanh Lam cho biết hiện, Cục Quản lý thị trường đã chỉ đạo tới các Chi cục quản lý thị trường địa phương tăng cường kiểm tra hàng ngày, hàng giờ các đối tượng làm ăn phi pháp. Việc buôn lậu sẽ gây ảnh hưởng lớn đến những doanh nghiệp kinh doanh các mặt hàng thủy sản trên, đồng thời có tác động tiêu cực đến kinh tế.

[Cá tầm nhập lậu từ Trung Quốc: Hiển hiện mối lo]

Tuy nhiên, ông Lam thừa nhận với mức phạt hành chính 2,5 triệu đồng kèm tịch thu, tiêu hủy lô hàng là quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe vì mức lãi lớn hơn số tiền phạt rất nhiều.

Theo ông Đỗ Thanh Lam, việc nhập lậu cá và các mặt hàng thủy, hải sản sẽ gây ra những khó khăn cho sản xuất trong nước và không kiểm soát được chất lượng, có thể ảnh hưởng tới sức khỏe của người tiêu dùng. Riêng đối với sản phẩm cá tầm thì không phải bây giờ mới có nhập lậu, thực tế quản lý thị trường đã phát hiện từ năm 2012.

Vừa qua trong 7 ngày (từ 25/4 đến 1/5), các trinh sát thuộc Đội 6, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC49 - Công an thành phố Hà Nội) cũng giữ 6 xe ôtô tải vận chuyển 1,8 tấn cá tầm và hàng chục nghìn con cá quả, cá trê giống và ếch nhập lậu từ Trung Quốc.

[Quảng Ninh liên tiếp bắt các vụ buôn lậu hải sản]

Một điểm chung của các vụ việc vận chuyển hàng lậu nói trên là các loại thực phẩm đều được các đối tượng đóng vào thùng xốp và dán băng dính kín. Nhiều con cá tầm, cá quả, ếch đã chết và được ướp đá nhưng do hầu hết các đối tượng buôn lậu còn có tay trong ở cửa khẩu, khi có yêu cầu sẽ sang Trung Quốc thu gom các loại như cá tầm, cá chình, cá quả, ếch...

Hầu hết số cá tầm của Trung Quốc đều có giá rẻ, trung bình 70.000 đồng/kg và chỉ được tiêu thụ ở chợ, trong khi cá tầm của Việt Nam có giá 200.000 đồng/kg; cùng đó ếch Trung Quốc to gấp rưỡi ếch ta nhưng giá lại rẻ hơn nhiều. Việc nhập lậu này thu được lợi nhuận cao nên các đối tượng không từ thủ đoạn để thẩm lậu vào Việt Nam. Ngoài ra, hoạt động của các cơ quan chức năng còn chưa chặt chẽ đã khiến các đối tượng lợi dụng lúc sơ hở, nhập lậu vào thị trường trong nước, mới xử lý trên khâu lưu thông; ...

Cùng đó, hệ thống chính sách pháp luật về đấu tranh chống buôn lậu, sản xuất buôn bán hàng giả và gian lận thương mại chưa hoàn thiện, nhiều lĩnh vực còn chồng chéo, không đồng bộ, thiếu cụ thể. Một số văn bản pháp luật cũ chưa được thay đổi, bổ sung cho phù hợp.

Bởi vậy, ông Lam nhấn mạnh quá trình chống nhập lậu rất cần có sự phối hợp chặt chẽ của cảnh sát biển, hải quan, quản lý thị trường phối hợp với công an, thanh tra chuyên ngành và nâng cao hơn nữa nhiệm vụ của Ban chỉ đạo 127 cũng như việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật đến các hộ kinh doanh và người tiêu dùng.

Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, cho rằng các cơ quan quản lý phải chủ động bảo vệ người tiêu dùng từ việc nâng cao năng lực thực thi cho lực lượng kiểm tra, kiểm soát, tránh tình trạng chồng chéo, tạo thành mạng lưới rộng khắp, nâng cao hiệu quả của công tác này từ Trung ương đến các địa phương./.

Uyên Hương (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục