Tập đoàn Gucci đang nhắm đến thị trường châu Á

Hơn 60% tổng số tiền đầu tư của Gucci trong năm nay sẽ phục vụ cho mục đích mở rộng kinh doanh tại châu Á, đặc biệt là Trung Quốc.
Tập đoàn Gucci năm nay sẽ dành phần lớn số tiền đầu tư của mình vào thị trường châu Á và cũng đang để mắt tới việc mở rộng thị trường tại Mỹ Latinh, một dấu hiệu cho thấy các công ty bán các loại hàng xa xỉ ngày càng phụ thuộc vào thị trường đang nổi.

Robert Polet, Tổng giám đốc điều hành của Tập đoàn Gucci cho biết thời kỳ tồi tệ nhất đối với ngành công nghiệp hàng xa xỉ đã qua, tuy nhiên, hiện vẫn chưa phải thời điểm có sức mua "cuồng nhiệt" như trước khi xảy ra khủng hoảng kinh tế.

Phát biểu sau buổi trình diễn mốt thời trang Balenciaga tại Paris, ông Polet cho biết Tập đoàn Gucci đã bị ảnh hưởng khá nặng trong cơn suy thoái và ông tin rằng 12 tháng tới, doanh số của tập đoàn sẽ khá hơn năm qua.

Doanh thu của Gucci, tập đoàn sở hữu các thương hiệu Gucci, Yves St Laurent, Bottega Veneta, và Alexander McQueen, trong quý 4/2009 đã tăng trở lại.

Ông Polet cho biết hơn 60% tổng số tiền đầu tư của Tập đoàn Gucci trong năm 2010 sẽ phục vụ cho mục đích mở rộng kinh doanh tại châu Á, đặc biệt là tại Trung Quốc.

Ông Polet đánh giá khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ là một khu vực đem lại lợi nhuận lớn cho tập đoàn. Doanh số năm ngoái của Gucci tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, không tính đến Nhật Bản chiếm 28% tổng số doanh thu của tập đoàn.

Cũng theo ông Polet, tốc độ phát triển cửa hàng của Gucci tại Trung Quốc lục địa trong năm năm bằng tốc độ của họ phát triển tại Nhật Bản trong 30 năm.

Kết quả này cho thấy Gucci hoàn toàn đi đúng hướng và sẽ tiếp tục phát triển theo hướng này trong những năm tới.

Bên cạnh đó, Gucci cũng thấy nhiều cơ hội để mở rộng hoạt động của tập đoàn tại Mỹ Latinh, đặc biệt tại các nước Mexico, Brazil và Chile.

Hiện nay sức tiêu thụ các sản phẩm của Gucci đối với các khách hàng Mỹ đang tăng trở lại, tuy nhiên ông Polet cho rằng còn quá sớm để lạc quan về điều này vì số người thất nghiệp tại Mỹ hiện giờ rất cao.

Suy thoái kinh tế đã làm thay đổi lớn thói quen mua sắm xả láng của người tiêu dùng trước đây và tâm lý "thắt lưng buộc bụng" sẽ còn tồn tại trong thời gian dài nữa.

Ông Polet đưa ra dẫn chứng cách đây hai năm, một người phụ nữ chỉ suy nghĩ trong năm phút rồi quyết định chi ra số tiền 2.000 USD hoặc 2.000 euro để mua một túi xách của Gucci. Còn bây giờ khách hàng hỏi rất nhiều câu hỏi và sau 30 phút sẽ yêu cầu cửa hàng giữ lại chiếc túi họ muốn mua để họ suy nghĩ thêm trước khi đưa ra quyết định cuối cùng./.

Diễm Quỳnh/London (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục