Lâm Đồng đứng trước nguy cơ mất nhiều làng nghề

Nhiều làng nghề truyền thống của đồng bào Churu, K’Ho ở Lâm Đồng đứng trước nguy cơ mai một do chưa tìm được hướng đi phù hợp.
Vốn được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác nhưng hiện nhiều làng nghề truyền thống của đồng bào Churu, K’Ho ở tỉnh Lâm Đồng đang đứng trước nguy cơ bị mai một do chưa tìm được hướng đi phù hợp.

Làng gốm Krăng-gọ (thôn Krăng-gọ, xã Pró, huyện Đơn Dương) ngày nay không còn cảnh đàn ông tất bật đi gùi đất, kiếm củi, thắp lò... còn phụ nữ nhào nặn, tạo hình cho gốm. Thay vào đó, người dân làng gốm này bây giờ chỉ trồng rau, thu đậu... Làng gốm thủ công nổi tiếng một thời nay đang đứng trước nguy cơ bị mai một.

Ông Tour Prong Cường, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân xã Pró cho rằng: “Những nghệ nhân lành nghề thỉnh thoảng lấy đất về làm gốm cho đỡ “nhớ” còn người trẻ hiện nay thì không biết làm gốm nữa rồi.”

Nghề làm gốm ở Krăng-gọ của người Churu vùng này có trước năm 1975, vào đợt cao điểm (mùa khô) là lúc làng gốm tất bật hơn cả. Hầu như người phụ nữ nào trong làng cũng biết làm gốm. Bằng bàn tay tài hoa, họ đã sản xuất ra các sản phẩm thủ công, độc đáo. Khi nồi, niêu, chén, bát gốm được hoàn thành, người trong làng lại chuyển đi các vùng khác “bán” cho khách để lấy lúa, gạo, gà, heo… Những thời điểm ấy, gốm Krăng-gọ khá nổi tiếng và rất được người dân các nơi ưa chuộng.

“Tuy nhiên từ vài năm nay, bà con trong làng đã không còn làm gốm nữa do không có đầu ra cho sản phẩm. Thay vào đó, họ đi làm thuê cho các nhà vườn hoặc chuyển sang nghề trồng rau, quả cho thu nhập cao hơn,” ông Prong Cường chia sẻ.

Hiện làng gốm đang tạm ngừng sản xuất. Ngay cả nhà trưng bày gốm trong thôn được chính quyền địa phương xây dựng từ năm 2007 hiện nay cũng bỏ không, thỉnh thoảng được dùng làm nơi sinh hoạt, họp thôn.

Những sản phẩm gốm cuối cùng ở nhà trưng bày đến nay cũng không còn. Chiếc máy xay đất được hỗ trợ để giúp bà con làm nguyên liệu sản xuất gốm cũng nằm phủ bụi. Mỗi tháng người dân lại phải chạy máy một lần để máy khỏi bị hư hỏng.

Trưởng thôn Krăng-gọ Tou Prong Danh trầm tư: “Từ 4 năm nay, chiếc máy này chỉ sử dụng được vài lần vì trong làng không còn ai làm gốm nữa. Ngay cả vợ tôi cũng bỏ nghề đi làm công lao động cho người ta để có thu nhập cao hơn."

Cũng lâm vào tình trạng như làng gốm Krăng-gọ, các làng nghề thủ công truyền thống của người K’Ho dưới chân núi Langbiang (xã Lát, huyện Lạc Dương) cũng đang cầm cự để tồn tại.

Trong khi nghề dệt thổ cẩm của người dân ở thôn Bnơr C đang cầm cự với đầu ra èo uột không ổn định thì nghề đan chiếu ở thôn Đăngkia, thị trấn Lạc Dương cũng sản xuất được chăng hay chớ, chưa đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân.

Ông Đagout Trí, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Lát nhận định: “Khó khăn nhất hiện nay vẫn là đầu ra cho sản phẩm của các làng nghề. Người dân chỉ biết tự đi bán rong ở các khu du lịch hoặc bán cho người dân trong vùng nên nguồn thu nhập không ổn định."

Theo nhiều nghệ nhân trong vùng, để hoàn thành một sản phẩm, họ phải trải qua nhiều công đoạn khác nhau. Trong khi đó, mỗi sản phẩm chỉ bán được 200.000-300.000 đồng, cao nhất cũng chỉ 500.000 đồng đối với một tấm xà rông thổ cẩm.

Một nữ nghệ nhân dệt thổ cẩm đã 64 tuổi cho biết: “Ngày trước 6 lá (xà rông) đẹp có thể đổi được một con trâu, con bò. Còn bây giờ dệt xong nghệ nhân chỉ biết đem bán rong cho khách du lịch hoặc thỉnh thoảng bán lại cho người trong vùng làm lễ vật trong các dịp cưới, hỏi.”

Địa phương cũng đã có sự hỗ trợ cho các làng nghề. Làng nghề thổ cẩm Bnơr C được hỗ trợ xây dựng một xưởng dệt thổ cẩm tập trung rộng gần 100m2 trị giá hàng trăm triệu đồng ở cuối làng. Tuy nhiên, việc hỗ trợ thiếu đồng bộ và đặc biệt đầu ra cho sản phẩm chưa ổn định nên từ khi xây dựng đến nay, xưởng dệt này hầu như không hoạt động.

Ông Đagout Trí cho biết: “Chúng tôi cũng đề nghị rất nhiều nhưng không nhận được sự hỗ trợ về vốn, kinh phí... để giúp người dân phát triển nghề truyền thống"./.

Nguyễn Dũng (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục