Triều Tiên sẽ đóng cửa biên giới với Hàn Quốc

Triều Tiên cảnh báo sẽ đóng cửa biên giới với Hàn Quốc và phá hủy các loa phóng thanh mà Hàn Quốc lắp đặt dọc biên giới hai miền.
Ngày 26/5, Triều Tiên cảnh báo sẽ đóng cửa biên giới với Hàn Quốc và nổ súng phá hủy các loa phóng thanh mà Hàn Quốc lắp đặt dọc biên giới hai miền.

Triều Tiên cũng tuyên bố sẽ cấm nhân viên và các phương tiện giao thông của Hàn Quốc sử dụng tuyến đường sắt và đường bộ dẫn đến khu công nghiệp Kaesong, một động thái trên thực tế là đóng cửa khu công nghiệp này.

Bộ Thống nhất Hàn Quốc xác nhận Triều Tiên đã yêu cầu 8 nhân viên Chính phủ Hàn Quốc rời khỏi Kaesong và đình chỉ hoạt động của đường dây thông tin liên lạc giữa hai miền.

Cũng trong ngày 26/5, Quân đội Triều Tiên một lần nữa nhắc lại lời cảnh báo sẽ "nổ súng phá hủy tất cả các loa phóng thanh của Hàn Quốc ở khu vực biên giới hai miền," và sẽ tiến hành "cuộc chiến tranh tổng lực" chống Hàn Quốc để đối phó với bất cứ động thái đối đầu nào từ miền Nam.

Bình Nhưỡng cũng cáo buộc Seoul đang lợi dụng vụ chìm tàu chiến Cheonan để châm ngòi cho cuộc đối đầu giữa hai miền nhằm phục vụ cho những mục tiêu chính trị trong nước.

Đúng như thông báo trước đó, ngày 27/5 Hàn Quốc đã tiến hành cuộc tập trận chống tàu ngầm quy mô lớn tại vùng biển ngoài khơi thị trấn Taean.

Hãng Yonhap đưa tin khoảng 10 tàu chiến trong đó có một tàu khu trục trọng tải 3.000 tấn và ba tàu tuần tra đã tham gia cuộc tập trận dự kiến diễn ra trong một ngày.

Đây được coi là động thái đầu tiên của Seoul nhằm biểu dương sức mạnh quân sự. Mỹ và Hàn Quốc cũng đã lên kế hoạch tổ chức một cuộc tập trận chung chống tàu ngầm trong thời gian tới.

Trước đó, Hàn Quốc đã cấm tàu thương mại của Triều Tiên sử dụng các tuyến đường biển của nước này, triển khai một tàu khu trục tại Eo biển Jeju, ngoài khơi bờ biển phía Nam, để chặn tất cả các tàu của Triều Tiên.

Trong tình hình này, năm đảng đối lập và 89 tổ chức xã hội dân sự ở Hàn Quốc đã tiến hành một cuộc họp khẩn cấp vì hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.

Tuyên bố chung của cuộc họp kêu gọi đảng cầm quyền cũng như chính phủ của Tổng thống Lee Myung-bak chấm dứt hành động mà họ gọi là "lạm dụng thảm họa tàu Cheonan" nhằm giành sự ủng hộ trong cuộc bầu cử địa phương, đồng thời từ bỏ lập trường đối đầu quân sự với Triều Triều.

Phe đối lập còn yêu cầu Tổng thống Lee cách chức toàn bộ ban lãnh đạo quân sự và cải tổ nội các sau cuộc bầu cử địa phương ngày 2/6 vì cho rằng quân đội đã phản ứng quá chậm trễ trong vụ chìm tàu Cheonan.

Đáp lại yêu cầu này, Phủ Tổng thống Hàn Quốc ngày 27/5 cho biết Tổng thống Lee Myung-bak sẽ quyết định thời điểm cũng như quy mô thay đổi các lãnh đạo quân đội dựa trên kết quả thanh tra nhà nước về việc đối phó với thảm họa chìm tàu Cheonan hôm 26/3 trên Hoàng Hải.

Phủ tổng thống còn bác bỏ thông tin của báo chí địa phương nói rằng Tổng thống Lee có kế hoạch thay thế nhiều tư lệnh quân đội trước thời điểm diễn ra cuộc bầu cử chính quyền địa phương.

Theo kế hoạch, Ủy ban Thanh tra nhà nước dự kiến công bố kết quả thanh tra trong tuần sau.

Trước tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, ngày 26/5, Nga - một trong những nước tham gia vòng đàm phán sáu bên về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, thông báo sẽ cử một nhóm chuyên gia đến Hàn Quốc để đánh giá kết quả cuộc điều tra đa quốc gia về nguyên nhân gây chìm tàu chiến Cheonan.

Tuyên bố của Điện Kremlin nêu rõ: "Theo đề nghị của các nhà lãnh đạo Hàn Quốc, Tổng thống Nga đã quyết định cử một nhóm chuyên gia trình độ cao đến nước này để đánh giá chi tiết kết quả cuộc điều tra cũng như bằng chứng thu thập được."

Theo tuyên bố trên, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev coi việc tìm ra nguyên nhân chính xác làm chìm tàu Cheonan và xác định thủ phạm là điều hết sức quan trọng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục