Nguy cơ nhiều cồn, vàm biến mất vì khai thác cát

Nhiều cồn, vàm ở Trà Vinh có nguy cơ biến mất do hiện tượng khai thác cát lệch mỏ, lệch tọa độ so với giấy phép và khai thác chui.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Trà Vinh, thực tế, nhiều doanh nghiệp có giấy phép khai thác nhưng do lệch mỏ, lệch tọa độ và nhiều phương tiện nhỏ khai thác cát chui dẫn đến nguy cơ sạt lở một số vùng trọng điểm và vượt xa với con số mà các cơ quan chức năng thống kê được.

Theo thống kê, trữ lượng cát sông của toàn tỉnh Trà Vinh khoảng 151,6 triệu m3 , trong đó trữ lượng cho phép khai thác là 33,4 triệu m3. Tổng sản lượng khai thác cát mỗi năm theo giấy phép của tỉnh là 3,8 triệu m3 và hiện tại có 21 doanh nghiệp được cấp giấy phép khai thác ở hai tuyến sông Hậu và Cổ Chiên.

Vàm Cái Hóp sạt lở

Tình trạng sạt lở nghiêm trọng đến mức người dân ấp Mỹ Hiệp A, xã Đức Mỹ, huyện Càng Long phải cùng nhau làm đơn khiến nại tập thể đề nghị ngưng khai thác cát.

Qua khảo sát thực tế của Ủy ban Nhân dân xã Đức Mỹ, ông Trần Văn An, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã khẳng định, đơn khiếu nại của những hộ dân trên là đúng sự thật.

Ghi nhận ở thời gian gần đây, tuyến sông này có khoảng năm xáng cạp, không rõ của công ty nào, nhưng thường xuyên lấy cát trên sông khu vực gần vàm Cái Hóp, cách bờ từ 60-70m. Ông Nguyễn Văn Ngọc ở ấp Mỹ Hiệp A bức xúc, năm xáng cạp đã tấn công gần bờ khu vực đất nhà ông đang ở, gây tiếng ồn và nguy cơ sạt lở đất khu vực ven sông, ảnh hưởng đến vườn cây ăn trái gia đình.

Ông Trần Văn An, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã cho biết, ngoài những xáng cạp lớn đua nhau khai thác, còn có hàng chục ghe có trọng tải từ 40-60 tấn có trang bị máy hút cát nhỏ khai thác cát chui bất cứ nơi nào trên sông. Khi đoàn kiểm tra hỏi thì chủ phương tiện cho là đã mua lại của các chủ xáng cạp lớn được cấp phép, còn tuần tra phát hiện thì một lần gặp, chín lần không nên thực trạng vi phạm trong lĩnh vực khai thác cát sông vẫn còn tiếp diễn.

Tuy nhiên, xã chưa xác định được đơn vị nào được cấp phép khai thác cát ở khu vực này vì không đủ thẩm quyền giải quyết các trường hợp vi phạm mà chỉ có thể chuyển kiến nghị lên các cơ quan chức năng cấp trên.

Cồn Bần Chát kêu cứu

Cùng nỗi lo với người dân vàm Cái Hóp, người dân ở cồn Bần Chát, ấp An Lộc, xã Hòa Tân, huyện Cầu Kè cũng gửi đơn kiến nghị đến Ủy ban Nhân dân huyện Cầu Kè phản ánh tình trạng sạt lở khu vực phía đuôi cồn do các phương tiện khai thác cát trên sông Hậu lấn sâu vào phía trong cồn.

Tại khu vực tổ 3 đã từng xảy ra vụ sạt lở đê bao của cồn Bần Chát khiến nước tràn vào gây thiệt hạt đối với vườn cây và người dân ở đây một phen hoảng loạn.

Nhiều người dân ở đây cho biết, từ năm 1992 đến nay tình trạng sạt lở tại cồn Bần Chát diễn ra với tốc độ rất nhanh. Bên cạnh việc sạt lở theo quy luật tự nhiên, trong 5 năm gần đây, nhiều phương tiện khai thác cát lậu trên sông Hậu đã làm cồn Bần Chát tiếp tục bị sạt lở ngày càng nghiêm trọng hơn.

Ông Cao Thanh Huẩn ở nông trường cồn Bần Chát cho biết, với tổng diện tích khoảng 300ha, những năm qua do việc sạt lở đã làm mất dần nhiều diện tích ở phía đầu cồn, hiện chỉ còn khoảng 200ha. Hơn 110 hộ dân trong cồn đang sống trong tình trạng phập phồng vì sợ sạt lở đê.

Lo lắng trước thực trạng này, nhiều người dân đã tổ chức đưa ghe ra ngăn cản các phương tiện khai thác cát, sau đó đã xảy ra vụ tranh chấp giữa người dân ở cồn Bần Chát với người điều khiển phương tiện khai thác cát.

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh thừa nhận, việc sạt lở đang diễn ra rất nghiêm trọng, cần phải phân cấp quản lý chặt chẽ hơn, nhất là trong xử lý vi phạm hành chính. Tuy nhiên, theo ông Lê Hữu Toàn Phó Chánh thanh tra sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, hiện nay chưa có quy định chính thức nào bằng văn bản của Bộ Tài nguyên và Môi trường về qui định khoảng cách khai thác cách bờ.

Hội đồng thẩm định cấp phép hoạt động khoáng sản của tỉnh đã tham mưu cho Ủy ban Nhân dân tỉnh thống nhất chỉ cấp phép cho các mỏ có liên quan đến hoạt động khoáng sản (cát sông) cách bờ ít nhất là 300m. Việc phân cấp quản lý, xử phạt hành chính trong lĩnh vực khai thác cát sông hiện đã triển khai cho huyện và xã.

Theo quy định, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã có thẩm quyền phạt tiền đến 500.000 đồng, tịch thu tang vật, phương tiện sử dụng vi phạm hành chính có giá trị đến 500.000 đồng và buộc thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả do vi phạm hành chính gây ra. Nếu vượt thẩm quyền xử lý thì chuyển hồ sơ về cấp huyện, tỉnh. Nhưng trên thực tế, mức phạt này không đủ nặng để làm cho “sa tặc” phải băn khoăn khi khai thác cát lậu.

Từ đầu năm đến nay, chỉ có sáu doanh nghiệp vi phạm trong lĩnh vực khai thác cát bị Thanh tra sở Tài nguyên và Môi trường phát hiện. Đây chỉ là con số ít ỏi so với nạn sa tặc hoành hành trên sông. Lỗi vi phạm chủ yếu là khai thác cát sông vượt công suất được cấp phép, thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường chưa nộp đầy đủ, thả phao đúng quy định.

Con số này cho thấy, việc xử lý những vi phạm trong việc khai thác cát sông ở Trà Vinh vẫn chưa được thực hiện một cách nghiêm túc./.

Lê Hiền (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục