Các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu "khát" vốn

Các doanh nghiệp xuất khẩu hiện chưa có biện pháp giải quyết được khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn, đối phó với biến động tỷ giá.
Ngày 18/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Dự án Hỗ trợ thương mại đa biên do Liên minh châu Âu tài trợ (EU - Việt Nam MUTRAP III), đã tổ chức hội thảo “Triển vọng một số ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam."

Với mục tiêu hỗ trợ các doanh nghiệp nhận diện, đánh giá thị trường, thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu, tăng cường khả năng cạnh tranh của một số ngành hàng chủ lực của Việt Nam như may mặc, chế biến gỗ, thủy sản…

Tiến sĩ Phạm Văn Chắt, Báo cáo viên Bộ Công Thương về Hội nhập kinh tế quốc tế, Trọng tài viên Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) đã cung cấp nhiều thông tin về hoạt động xuất khẩu các ngành hàng trọng điểm và dự báo tình hình sắp tới. Đồng thời, đưa ra các kiến nghị cụ thể về hệ thống luật lệ, chính sách; cơ chế cho vay, giám sát sử dụng và thu hồi vốn; trợ giúp pháp lý cho doanh nghiệp; đào tạo nguồn nhân lực theo yêu cầu hội nhập và tình hình thực tế.

Các tham luận của các hiệp hội ngành nghề tại hội thảo cũng cho thấy, hiện doanh nghiệp xuất khẩu chưa có biện pháp thiết thực giải quyết được những khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn, đối phó với biến động tỷ giá…

Điển hình, ngành thủ công mỹ nghệ và chế biến gỗ đang đứng trước khó khăn do những biến động về tỷ giá USD, chi phí đầu vào tăng, nhưng ngành lại có đến 70% doanh nghiệp ở quy mô vừa và nhỏ, vòng quay vốn chậm, hiệu quả sản xuất không cao, nên không tạo được giá trị cao cho sản phẩm.

Tương tự, các doanh nghiệp ngành may mặc cho biết, chưa thể huy động được vốn đầu tư cho các dự án trong năm 2012, còn các doanh nghiệp có nguồn vốn mạnh như công ty Việt Thắng, Phong Phú… cũng rất thận trọng trước kế hoạch đầu tư.

Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu Thủy sản (VASEP), hiệp hội vừa khảo sát về nhu cầu vay vốn của hội viên thì có hơn 90% doanh nghiệp cần vay vốn với mức thấp nhất là 10 tỉ đồng và cao nhất lên đến 1.400 tỷ đồng để bổ sung vốn lưu động cho chế biến, sản xuất, chăn nuôi; riêng quý 2 này, có nhiều doanh nghiệp cần vay vốn khẩn cấp với mức từ 10-500 tỉ đồng.

Trước những khó khăn của doanh nghiệp, hội thảo đã tập trung bàn về các giải pháp và đưa ra chiến lược nâng cao năng lực cạnh tranh cho các ngành hàng, tiếp cận nguồn vốn, đồng thời phổ biến rộng rãi những điểm cần chú ý để nâng cao khả năng thâm nhập, cạnh tranh của hàng xuất khẩu Việt Nam ở các thị trường trọng điểm như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản…/.

Mỹ Phương (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục