Lênh đênh phận chèo đò

Những thân phận tha hương mưu sinh nghề chèo đò

Bất kể nắng mưa, sóng to gió lớn, chỉ nghe “đò ơi” là những người chèo đò trên biển lại vội vã quay mái chèo đón khách, chở hàng.
Không ai còn nhớ bến đò khu vực Bãi Trước, thành phố Vũng Tàu, có từ khi nào, nhưng tiếng gọi “đò ơi” đã quen thuộc từ lâu đối với những người dân đi biển và sống xung quanh khu vực này.

Bất kể ngày nắng, đêm mưa, sóng to hay gió lớn, chỉ cần nghe tiếng gọi ấy, những người làm nghề chèo đò lại vội vã quay mái chèo đón khách, chở hàng từ tàu lớn vào bờ. Cuộc đời của họ cũng chìm nổi theo con nước.

Lênh đênh đời đò

4 giờ chiều, khu vực biển Bãi Trước khá nhộn nhịp, trên bờ kè và bậc tam cấp dẫn xuống biển, từng tốp người đứng ngồi sát mép nước chờ đợi. Xa xa, những chiếc đò mộc chở đầy ắp lồng cua, rọ ghẹ đang rẽ sóng hướng về bờ.

Gió Tây Nam lồng lộng, mặt biển chênh chao, chiếc đò nhấp nhô theo từng con sóng, người lái đò nhỏ thó đang gò lưng, căng hai chân đạp mái chèo đưa đò vào bờ. Vừa cập bến, đưa tay quệt ngang vệt mồ hôi nhễ nhại trên mặt, người lái đò tên là Nguyễn Hoàng Hữu khoe: “Hôm nay tàu cá về nhiều nên cũng kiếm được kha khá, chứ cả tuần nay vắng khách, ngày nào cũng phải bù tiền ăn.”

Nguyễn Hoàng Hữu năm nay 29 tuổi, quê ở Giao Thủy (Nam Định), làm nghề đưa đò đã hơn 10 năm. Hữu kể, ngày còn nhỏ, anh thường theo người làng đi biển nên khá quen thuộc con nước. Năm 2000, theo lời giới thiệu của người thân, anh vào Vũng Tàu làm nghề chèo đò.

Nhóm của Hữu hiện có gần 10 người, đa phần đều xuất thân từ những làng quê nghèo miền Bắc. Hữu nói: “Ở quê chẳng có việc gì để làm. Nghề chèo đò này không cần trình độ, không tốn nhiều vốn liếng, so với làm thợ hồ cũng nhẹ nhàng hơn mà có khi thu nhập lại cao hơn.”

Để tiết kiệm chi phí, những người trong nhóm của Hữu góp tiền lại mua một chiếc ghe cũ làm nơi nấu ăn, ngủ nghỉ ngay trên biển.

Hôm chúng tôi đến, mặt trời chưa tắt nắng nhưng mâm cơm chiều đã được dọn ra. Bữa cơm đạm bạc chỉ có đĩa rau muống luộc, nước luộc làm canh, vài con cá kho nhưng bảy người đàn ông đều ăn rất ngon miệng. Hữu bảo, mùa này giông gió thường kéo đến bất ngờ, muỗi bọ nhiều, anh em phải tranh thủ ăn cơm sớm, dọn dẹp rồi còn ra bến đón khách đi câu đêm kiếm thêm chút tiền.

Cũng có thâm niên 10 năm chèo đò, Hoàng Văn Duy, 33 tuổi, kể: Ngày anh mới vào đây, những ngày đầu tập làm quen với con đò, anh và các bạn của mình ngã lên ngã xuống do không quen với công việc chèo đò trên biển vì sóng to gió lớn.

Nghề chèo đò giãi nắng dầm mưa, có hôm đông khách, Duy và mọi người không kịp ăn miếng cơm, ra bến từ tờ mờ sáng, đến đêm khuya mới được nghỉ. Anh cho hay, phải tranh thủ làm thì mới có tiền gửi về quê cho vợ nuôi hai đứa con nhỏ.

Trong cuộc mưu sinh của những người chèo đò cũng tiềm ẩn nhiều hiểm nguy. Trước đây khi khu công viên Bãi Trước chưa xây dựng, dân hút chích ma túy hay tụ tập ở đây. Nhiều hôm họ kêu đò ra biển dạo, chở đi được một đoạn thấy họ rút kim ra chích, lúc đó anh em chèo đò ai cũng sợ tái xanh mặt nhưng không dám phản ứng. Chích xong, chở chúng vào bờ, nhiều lúc không nhận được đồng xu tiền công nào mà còn bị chúng đe dọa.

Mấy năm nay, đối tượng hút chích không còn nhưng những người chèo đò thi thoảng lại gặp vài người say rượu. Sau khi chở đi tham quan một vòng, họ bảo không có tiền trả, đòi thì họ sừng sộ, chửi bới nên đành coi như không công.

Đối với Duy, kỷ niệm anh nhớ nhất là lần chở một anh chàng chán sống, vừa ra đến vùng nước sâu anh ta nhảy ùm xuống biển tự tử. Biển đêm, sóng lớn, đánh vật mãi mới kéo được người thanh niên ấy lên đò.

Những chiếc đò nhỏ mưu sinh trên sóng to gió lớn, nhưng lại chưa được trang bị những thiết bị đảm bảo an toàn như áo phao cho khách nên cũng nguy hiểm cho cả người chèo đò và du khách đi đò.

Bám biển nuôi ước mơ

Cuộc sống của những người chèo đò ở đây dường như tách biệt hẳn với nhịp sống náo nhiệt của con đường Hạ Long, nơi có những khách sạn tráng lệ, các khu vui chơi, giải trí rực rỡ ánh đèn dù chỉ cách một bờ kè…

Giơ chiếc radio đã cũ, Nguyễn Tiến Thành, quê Thanh Hóa khoe: “Bạn đồng hành của chúng tôi đấy. Nhờ nó mà tin tức trong nước, quốc tế chúng tôi đều nắm được hết. Đặc biệt, lịch sử của những danh lam thắng cảnh ở thành phố Vũng Tàu như ngọn hải đăng, tòa Bạch Dinh, núi Lớn, núi Nhỏ… chúng tôi thuộc nằm lòng và sẵn sàng giải đáp cho khách du lịch.”

Mùa biển êm bắt đầu từ tháng Chín năm trước đến tháng Năm năm sau. Vào khoảng thời gian này, khu vực Bãi Trước có gần 50 con đò ngang hoạt động ngày đêm nên việc kiếm sống cũng chẳng dễ dàng gì.

Có khi những người chèo đò kiếm được hơn trăm nghìn đồng một ngày nhưng cũng có nhiều ngày lại chẳng kiếm được đồng nào, nên họ phải dựa vào nhau mà sống. Mỗi nhóm từ 5-7 người, góp tiền nấu ăn chung và cũng luân phiên nhận tất cả số tiền cả nhóm kiếm được gửi về quê lo cho gia đình theo từng tháng.

“Đó cũng là cách chúng tôi giữ tiền. Sống trên biển, hiểm nguy rình rập, cầm tiền nhiều trong người không an toàn nên hễ nhà ai có việc cần tiền gửi về quê thì anh em sẵn sàng góp lại,” Thành nói.

Những người làm nghề chèo đò đều là người nghèo, cuộc sống ở quê quá khó khăn buộc họ phải tha phương nên ai cũng mong tích lũy chút vốn để về quê sinh sống.

Anh Hoàng Văn Trường, người lớn tuổi nhất nhóm nói: “Tôi có hai người con, một đứa đang học lớp 10, một đứa lớp 7. Chúng học rất giỏi nên dù cực nhọc thế nào tôi vẫn bám biển cố gắng kiếm tiền cho chúng học tới nơi tới chốn để cuộc đời chúng không vất vả, lam lũ như tôi.”

Anh Trần Văn Sương cho biết, lênh đênh trên biển sợ nhất là mùa mưa vì khu vực này ghềnh đá lởm chởm, mưa lớn, biển động, sóng đánh nước vào đầy ghe, anh em phải thức trắng đêm trong tư thế sẵn sàng ứng phó với tình huống xấu. Sáng ra, ai cũng mệt lử nhưng vẫn phải ra bến chờ khách vì nghỉ một ngày thì niêu cơm của các anh và vợ con ở quê lại bị treo.

“Ở quê, thu nhập chính chỉ trông chờ vào vài sào ruộng. Hai đứa con đang tuổi ăn, tuổi lớn nên tôi phải tranh thủ làm gửi về quê lo cho chúng và tích cóp chút vốn cho tuổi già.” Anh Sương nói.

Với Nguyễn Hoàng Hữu, tuy còn độc thân nhưng nhiều năm sống trên biển khiến anh cảm thấy chút e ngại khi lên bờ. Hữu suy tư: “Lênh đênh trên sóng nước, mặt mũi đen đui, thô kệch nên chẳng cô nào thương. Hai năm nữa em trai tôi sẽ ra nghề, tôi dự định lúc đó sẽ lên bờ học nghề cắt tóc để còn lập gia đình.”

Lênh đênh trên sóng nước từng ngày kiếm sống để lo cho gia đình nhỏ bé ở phương xa nhưng nghị lực và khát vọng vươn tới một cuộc sống tươi đẹp vẫn mãnh liệt trong những người chèo đò./.

(Báo Tin tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục