Giao thông ngày Tết: Thấp thỏm Tết tha hương...

Dù các ngành vận tải đều đã rất tích cực, nhưng hành khách trên lộ trình về quê ăn Tết Quý Tỵ vẫn thấp thỏm nỗi lo "rớt" lại với Tết tha hương...
Dù hơn tháng nữa Tết Nguyên đán mới đến, nhưng ngay từ thời điểm này, bài ca giao thông ngày Tết vẫn giữ nguyên  điệp khúc cũ đã có từ nhiều năm: xếp hàng vô vọng, khan hiếm, chẹt khách...

Tại Hà Nội các loại vé xe chất lượng cao, tàu tuyến cự ly ngắn đã gần như "cạn" vé, ngay cả máy bay, thì hàng ế chỉ là vé giá cao.

Xe chất lượng cao: bán sớm vẫn cháy vé

Theo Công ty Quản lý Bến xe Hà Nội, Tết Nguyên Đán năm nay được nghỉ dài ngày nên nhu cầu đi lại của hành khách như thăm viếng, về quê… trong thời gian này sẽ tăng trung bình so với đợt phục vụ Tết năm trước từ 10% đến 20% và tăng khoảng 30% đến 50% so với ngày thường. Công ty đã chuẩn bị đủ và tăng cường thêm số lượng phương tiện để đảm bảo nhu cầu đi lại của hành khách.

Tuy nhiên, để đảm bảo không bị nhồi nhét, chặt chém giá vé tại một số tuyến như Hà Tĩnh, Nghệ An, hành khách đều chủ động đặt mua vé với nhà xe chất lượng cao chính vì vậy, số lượng xe không đáp ứng đủ.

Từ vài ngày nay, tại Văn phòng Công ty du lịch xe khách Văn Minh, số 90B, Trần Duy Hưng (Hà Nội), hàng trăm hành khách Nghệ An, Hà Tĩnh đã xếp hàng, chen lấn nhau đứng chờ mua vé xe về nghỉ Tết âm lịch.

Tương tự, tại văn phòng của nhà xe Văn Minh ở 270 Xã Đàn, lượng hành khách đứng chờ mua vé vẫn đông chật cứng trước cổng công ty. Tình trạng chen lấn chờ mua vé vẫn diễn ra trong khi lượng hành khách dồn về mua vé vẫn không ngớt.

Nhiều người đến từ sáng sớm nhưng vẫn không thể mua được vé, đành về tay không.

Anh Hoàng Văn Mạnh ở Nghi Xuân, Hà Tĩnh thở dài: “Biết được thông tin Công ty Văn Minh bán vé xe về Tết nên tôi đã tới đây xếp hàng từ rất sớm. Nhưng do lượng người quá đông, họ chen lấn xô đẩy nhau nên tôi vẫn chưa mua được vé.”

Ông Nguyễn Đàm Văn, Giám đốc Công ty du lịch xe khách Văn Minh cho biết: “Sở dĩ  hành khách tập trung đến công ty mua vé đông vì đây là ngày đầu tiên trong 3 ngày công ty tổ chức bán vé xe về nghỉ Tết âm lịch.”

Rút kinh nghiệm từ những năm trước, theo ông Văn, hành khách mua vé phải lấy số xếp hàng và trình chứng minh nhân dân thì mới được mua vé nên thời gian và thủ tục phải chờ lâu hơn.

Lý giải cho vấn đề này, ông Minh cho rằng, vé xe của công ty đã bị nhiều người mua bán lại cho người ngoài với giá cao hơn, điều này làm mất uy tín của nhà xe.

“Đã 5 năm nay, vé xe Văn Minh không tăng giá trong ngày Tết cũng như ngày thường đều ở mức giá 200.000 đồng/ vé. Thế nhưng năm ngoái, nhiều đối tượng đã mua vé của công ty rồi bán cho người ngoài với giá gấp đôi. Do vậy, năm nay, Công ty phải làm thận trọng và bán vé chỉ trong vài ba ngày là hết vé,” ông Văn chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Hoàng Trung, Giám đốc Công ty Quản lý Bến xe Hà Nội, những nhà xe chất lượng cao như Văn Minh chỉ chiếm số ít bởi các đơn vị vận tải ở các bến xe chủ yếu hoạt động manh mún, nhỏ lẻ nên vào dịp cao điểm Tết, hành khách bị nhồi nhét, chặt chém vẫn có thể xảy ra.

“Những nhà xe chất lượng cao đều có mô hình quản lý tập trung khoán quản và lên lịch chạy giống như máy bay nên bán vé sớm và rất hiệu quả,” ông Trung cho biết.

Vé tàu tuyến càng ngắn càng “khan”

Còn tại ga Hà Nội, khác với không khí những ngày đầu tháng 12 bán vé ra, lượng hành khách đến mua vé tàu về Tết những ngày này đã đông đúc hơn phần lớn trong số đó là mua vé tàu về quê dịp Tết âm lịch với các tuyến như Hà Nội- Sài Gòn, Hà Nội- Nghệ An, Hà Nội- Thanh Hóa…

Trao đổi với phóng viên Vietnam+, bà Phùng Thị Lý Hà, Phó ga Hà Nội cho biết, Công ty vận tải hành khách đường sắt Hà Nội sẽ tổ chức chạy thêm hai chuyến tàu NA1 (Hà Nội - Vinh) trong hai ngày 7/2/2013 (tức ngày 27 Tết) và ngày 8/2/2013 (tức ngày 28 Tết) để đáp ứng nhu cầu đi lại.

Tuy nhiên, bà Hà cũng thừa nhận, vé từ Hà Nội đi Vinh bằng các tàu chạy buổi tối hiện cũng đã hết và chỉ còn một số vé cho các tàu chạy ban ngày. Vì thế, hành khách cần có sự lựa chọn hợp lý thời gian đi lại.

Theo bà Hà, vé tàu Thống nhất đi Thanh Hóa-Vinh-Sài Gòn trong dịp cao điểm trước Tết Quý Tỵ không còn nhiều. Lần lượt các ngày 26, 27, 28 tháng Chạp chỉ còn 954 vé, 534 vé, 287 vé.

“Các tàu chạy tối, bán vé cho hành khách đi Nha Trang, Sài Gòn nếu sát ngày khởi hành còn chỗ thì mới bán cho các tuyến đường ngắn Thanh Hóa, Vinh,” bà Hà cho hay.

Hàng không: Bay rẻ thì thiếu, bay đắt thì thừa

Trái với không khí mua vé tàu, xe Tết, vé máy bay đi lại dịp Tết có phần “ế ẩm”. Hiện giờ, các hãng hàng không vẫn còn nhiều vé giá cao từ Thành phố Hồ Chí Minh đi các chặng Vinh, Hải Phòng và Hà Nội cả trước và sau những ngày cao điểm Tết.

Tổng Công ty hành không Việt Nam (Vietnam Airlines) cho biết, hãng còn vé đối với các chặng từ Thành phố Hồ Chí Minh – Hà Nội/Hải Phòng/Vinh với mức giá dao động từ gần 3 – 4,8 triệu đồng/lượt.

Cụ thể, chặng Thành phố Hồ Chí Minh - Hải Phòng các ngày từ 2 đến ngày 9/2/2013 (từ 22 – 29 tháng Chạp) đều còn vé với giá 4,884 triệu đồng/lượt. Chặng được cho là cháy vé là Thành phố Hồ Chí Minh đi Vinh hiện cũng vẫn còn vé đi từ 1 - 4/2/2013 (tức từ 21 – 24 tháng Chạp). Chặng Thành phố Hồ Chí Minh - Hà Nội do có tới hơn chục chuyến mỗi ngày nên từ 1 - 9/2/2013 (từ 21 – 29 tháng Chạp), tất cả các ngày, hãng này đều còn vé với giá 2,981 triệu đồng/lượt bay.

Hãng hàng không giá rẻ Jetstar cho biết, dù chỉ bay 3 chuyến/ngày trên chặng Thành phố Hồ Chí Minh – Hải Phòng, vé bay các ngày từ 1 – 9/2/2013 đều còn với giá từ 2,8 - 2,9 triệu đồng/lượt. Chặng Thành phố Hồ Chí Minh - Hà Nội vé bay sớm giá 2,8 triệu đồng, về cận Tết giá vé là 2,9 triệu đồng/lượt./.

Mặc dù các ngành vận tải đều đã rất tích cực vào cuộc nhưng không cơ quan chức năng nào dám khẳng định sẽ quản lý được chuyện cò vé, tăng giá, nhồi nhét khách…và hành khách trên lộ trình “hồi hương” ăn Tết vẫn còn đó rất nhiều nỗi lo.

Việt Hùng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục