Rắc rối vì mật danh

Geronimo, Bin Laden và rắc rối của quân đội Mỹ

Việc Mỹ lấy tên thủ lĩnh da đỏ Geronimo đặt tên cho chiến dịch tiêu diệt bin Laden đã khiến những người thổ dân châu Mỹ giận dữ.
Việc quân đội Mỹ sử dụng cái tên Geronimo như một mật hiệu trong chiến dịch tiêu diệt Osama bin Laden đã làm dấy lên làn sóng phản đối trong chính nước Mỹ.

“Tôi cho rằng việc liên hệ (Geronimo) với Bin Laden là hết sức không đúng đắn và kém nhạy cảm về mặt văn hóa,” Thượng nghị sĩ Tom Udall của Đảng Dân chủ, bang New Mexico, nói trong một cuộc điều trần của Ủy ban người da đỏ của Quốc hội.

“Nó cho thấy một vấn đề nghiêm trọng, vấn đề mà chúng ta thảo luận ngày hôm nay, một sự đồng thuận về mặt xã hội đã ăn sâu khi miêu tả những người dân thiểu số một cách xúc phạm.”

Geronimo (1829-1909) là một trong những lãnh tụ vĩ đại nhất của người da đỏ châu Mỹ theo đuổi đến cùng đường lối bạo lực chống lại sự thống trị và xâm lăng của người da trắng trong cuộc chiến tranh Apache-Mỹ và Apache-Mexico. Chính quyền Mỹ khi đó cũng đã phải lao tâm khổ tứ trong nhiều năm trời mới bắt được người anh hùng da đỏ.

[Hình ảnh tập luyện của đội quân đã diệt Bin Laden]

Cuộc điều trần đã có trong kế hoạch của Quốc hội Mỹ từ lâu trước chiến dịch của lực lượng đặc nhiệm hải quân tiêu diệt Bin Laden hôm 1/5. Nhưng việc họ dùng tên Geronimo để làm mật hiệu trong việc tiêu diệt kẻ thù số một của nước Mỹ đã làm cuộc gặp ngày 5/5 của các nghị sĩ nóng hẳn lên.

ABC News dẫn lời Udall nói người Mỹ bản địa trong lịch sử luôn là sắc dân thiểu số có tỉ lệ phục vụ trong quân đội cao nhất. Ông cũng khẳng định muốn Lầu Năm Góc làm rõ việc dùng cái tên này, nhưng các nguyên tắc quân sự cấm việc tiết lộ thêm thông tin về chiến dịch.

Tex Hall, thuộc Hội đồng các trưởng lão da đỏ vùng đồng bằng lớn, bang North Dakota, đồng tình với Udal. “Đây là một sự kiện không may mà chúng ta cần ý thức và làm rõ,” Hall nói. Suzan Shown Harjo thuộc Viện Morning Star ở thủ đô Washington, một nhóm vận động quyền cho người da đỏ ở Mỹ, cho rằng “so sánh ông ấy với khủng bố và gọi ông ấy kẻ thù là một hành vi gây sốc.”

Trước khi cuộc điều trần bắt đầu, chắt của Geronimo, Harlyn Geronimo, người đã có mặt cùng các nghị sĩ, đã ra một tuyên bố nói việc sử dụng tên Geronimo trong chiến dịch tiêu diệt Bin Laden là xúc phạm và phỉ báng.

“Dù cho ý định của những người có trách nhiệm là đặt tên chiến dịch tiêu diệt hay bắt giữ Osama bin Ladan, hay đặt cho chính Osama bin Laden mật danh là Geronimo, thì đó cũng là sự xúc phạm và sai lầm khó thể tha thứ,” Geronimo-cháu nói.

“Và rõ ràng từ các hồ sơ của quân đội, cái tên Geronimo đã được binh sĩ sử dụng nhiều lần trong chiến dịch và cho chính Osama bin Laden. Rõ ràng, so sánh Geronimo với Osama bin Laden là sự xúc phạm không chấp nhận được với người Mỹ bản địa và vị lãnh tụ vĩ đại nhất trong lịch sử của họ.”

[Mỹ lộ bí mật quân sự trong chiến dịch bin Laden?]

“Geronimo, E-KIA” (hàm ý kẻ thù đã bị tiêu diệt tại chỗ), đó là thông báo của một binh sĩ thuộc đội đặc nhiệm hải quân Mỹ qua bộ đàm được phát sóng trên truyền hình sau khi Bin Laden bị bắn chết. Tina Marie Osceola thuộc bộ lạc da đỏ Seminole ở Viện nghệ thuật da đỏ Mỹ đã lên tiếng yêu cầu một lời xin lỗi chính thức từ nhà chức trách Hoa Kỳ. “Khi chính quyền sử dụng tên người hùng lịch sử của chúng tôi, họ đã lấy đi của chúng tôi một người anh hùng. Thật khó tin là sự xúc phạm sâu cay nhất đã diễn ra không phải với Al Qaeda ở nước ngoài, mà với một người Mỹ nhỏ bé trên quê hương của ông ta”.

Thực ra, đây không phải là lần đầu tiên quân đội Mỹ sử dụng cái tên Geromino. Tên ông được dùng làm lệnh xung phong, mật mã trong các chiến dịch quân sự, còn hình ảnh người anh hùng da đỏ xuất hiện trên huy hiệu ở tay áo đồng phục của binh sĩ Mỹ thuộc tiểu đoàn kỵ binh bay số 1 và trung đoàn bộ binh 501. Tên bộ lạc Apache cũng được sử dụng cho loại máy bay trực thăng nổi tiếng của quân đội Mỹ.

Theo những người thích các học thuyết kỳ lạ, Geronimo và Tổng thống George W. Bush thậm chí còn có quan hệ. Theo đó, ông nội của tổng thống thứ 43 của Hoa Kỳ, Prescott Bush, từng gia nhập một hội kín của giới thượng lưu Skull and Bones ở Đại học Yales để cướp mộ của Geronimo./.
 
H.Minh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục