Câu bắt mực ống làm giảm số lượng sư tử biển

Việc gia tăng hoạt động câu bắt mực ống đang đe dọa loài sư tử biển đặc hữu ở New Zealand do làm giảm các bãi sinh sản của chúng.
Tạp chí Động vật có vú (Mammal Review) dẫn nghiên cứu của các nhà khoa học New Zealand cho biết việc gia tăng hoạt động câu bắt mực ống đang đe dọa loài sư tử biển đặc hữu ở nước này (tên khoa học là phocarctos hookeri) do làm giảm số lượng các bãi sinh sản của chúng.

Số lượng sư tử biển con trên quần đảo Auckland - một trong hai khu vực sinh sản của hải cẩu New Zealand đã giảm gần 50% từ 3.021 con vào năm 1998 xuống chỉ còn 1.501 con vào năm 2009. Tuy nhiên, số lượng phocarctos hookeri trên đảo Campbell, khu vực sinh sản lớn thứ hai của loài này, lại tăng chậm trong cùng thời gian này.

Trưởng nhóm nghiên cứu, Tiến sĩ Bruce Robertson, thuộc Khoa Động vật học của Đại học Otago, cho biết các nghiên cứu trước đó đã không xác định được nguyên nhân suy giảm số lượng sư tử biển New Zealand, loài động vật có vú chỉ sinh sống tại các vùng biển của nước này.

Các nghiên cứu trên chủ yếu liên hệ giữa việc suy giảm số lượng sư tử biển trên quần đảo Auckland với việc các cá thể sư tử biển cái không quay lại đảo để sinh sản hoặc cho sư tử biển con ăn.

Các nhà khoa học đã xem xét những dữ liệu trước đây và rút ra kết luận rằng cách lý giải hợp lý nhất cho việc suy giảm số lượng cá thể sư tử biển cái sinh sản là sự cạnh tranh tài nguyên giữa sư tử biển và hoạt động đánh bắt mực ống, nguồn thức ăn chủ yếu của sư tử biển.

Quần đảo Auckland có ngành công nghiệp đánh bắt mực ống rất phát triển, với những tấm lưới rà và lưới quét lớn hoạt động trong khu vực có sư tử biển. Trong khi đảo Campbell không có hoạt động đánh bắt cá gần khu vực sinh sản của sư tử biển.

Nghiên cứu trên cũng tính đến các nguyên nhân khác, trong đó có hoạt động săn mồi tự nhiên, bệnh tật, sự biến đổi của môi trường, các tác động về gien và sự ô nhiễm, nhưng kết luận rằng hoạt động đánh bắt cá là nguyên nhân phù hợp nhất.

Ông Robertson khẳng định trong số tất cả các nguyên nhân tiềm tàng, thì những tác động của con người kết hợp với hoạt động câu bắt mực ống xung quanh khu vực quần đảo Auckland là khả dĩ nhất, đồng thời nhấn mạnh việc tìm ra nguyên nhân này sẽ cho phép các nhà quản lý khắc phục hiện tượng suy giảm số lượng sư tử biển phocarctos hookeri.

Nhóm nghiên cứu đề xuất tiến hành một cuộc điều tra toàn diện những tác động của hoạt động đánh bắt mực ống xung quanh khu vực quần đảo Auckland, cũng như tác động của sự căng thẳng về dinh dưỡng và cạnh tranh tài nguyên đối với khả năng sinh sản của sư tử biển./.

Đoàn Hùng/Sydney (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục