Tăng cường hợp tác đầu tư giữa Việt Nam và LB Đức

Hiện nay đầu tư của Cộng hòa Liên bang Đức vào Việt Nam vẫn chưa thực sự tương xứng với lợi thế và tiềm năng của cả hai nước.
Sáng 18/9, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Cộng hòa Liên bang Đức" nhằm trao đổi những vấn đề về chính sách và biện pháp tăng cường hợp tác thương mại và đầu tư giữa hai nước.

Phát biểu tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh nhấn mạnh trong những năm qua, Đức là một trong những nước viện trợ vốn ODA nhiều và thường xuyên cho Việt Nam. Cho đến nay, tổng vốn ODA Đức cung cấp cho các dự án tại Việt Nam lên tới hơn 1 tỷ euro, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam trong thời gian qua.

Tuy nhiên, đầu tư của Cộng hòa Liên bang Đức vào Việt Nam vẫn chưa tương xứng với lợi thế và tiềm năng của cả hai nước.

Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, trong thời gian tới, hai bên cần tăng cường phối hợp để thúc đẩy hơn nữa hợp tác đầu tư song phương, đặc biệt trong các lĩnh vực mà Đức có thế mạnh như công nghệ cao, công nghệ nguồn, công nghệ sạch và các sản phẩm dịch vụ chất lượng cao. Đây là những lĩnh vực rất phù hợp với định hướng phát triển kinh tế của Việt Nam trong thời gian tới.

Đánh giá Việt Nam là nền kinh tế mạnh trong khu vực ASEAN, ngài Philipp Rosler, Bộ trưởng Kinh tế và Công nghệ Cộng hòa Liên bang Đức cho rằng Việt Nam cần ổn định, đảm bảo về mặt pháp lý để các doanh nghiệp Đức yên tâm đầu tư vào Việt Nam.

Tính đến hết tháng 8/2012, Cộng hòa Liên bang Đức đã có 184 dự án đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 904 triệu USD. Đức xếp thứ 24 trong số 95 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam, chủ yếu trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm 52% tổng vốn đầu tư).

Cộng hòa Liên bang Đức cũng là một trong những địa bàn trọng điểm trong công tác xúc tiến đầu tư của Việt Nam với lợi thế về công nghệ hiện đại, tiềm năng về vốn, chất lượng và kinh nghiệm quản lý tiên tiến.

Đến nay, Cộng hòa Liên bang Đức là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam ở châu Âu, chiếm đến 19% xuất khẩu của Việt Nam sang EU và cũng là một trong những cửa ngõ trung chuyển quan trọng của hàng hóa Việt Nam sang các thị trường khác ở châu Âu. Với sự phục hồi nhanh của kinh tế Đức, trao đổi thương mại song phương năm 2011 đạt xấp xỉ 6 tỷ euro.

Tại diễn đàn, doanh nghiệp hai nước đã tập trung thảo luận các vấn đề như môi trường đầu tư tại Việt Nam và Đức; phát triển hạ tầng sáng tạo, cung cấp năng lượng và an ninh năng lượng.

Trong khuôn khổ diễn đàn, Lễ ký kết biên bản ghi nhớ về hợp tác giữa Bộ Xây dựng và Ngân hàng tiết kiệm cho vay nhà ở Schwabisch Hall và Lễ ký kết hợp đồng sản xuất xe buýt mẫu giữa Vinamotor và công ty Siemens Việt Nam đã diễn ra.

Ngân hàng tiết kiệm cho vay nhà ở Schwabisch Hall (BSH) thống nhất hình thành nhóm nghiên cứu gồm chuyên gia Bộ Xây dựng, một số bộ ngành có liên quan của Việt Nam và chuyên gia của BSH cùng nghiên cứu mô hình Quỹ Tiết kiệm cho vay nhà ở với sự hỗ trợ của Nhà nước.

Đồng thời, BSH đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng mới văn bản quy phạm pháp luật phù hợp với điều kiện của Việt Nam nhằm tạo ra hành lang pháp lý vững chắc cho việc hình thành và hoạt động có hiệu quả, an toàn cho các Ngân hàng Tiết kiệm cho vay nhà ở tại Việt Nam.

Phía Việt Nam tạo điều kiện để BSH nghiên cứu thị trường và tiếp xúc với các ngân hàng thương mại Việt Nam để đi đến quyết định đầu tư vào Việt Nam.../.

Thúy Hiền (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục