Quân đội Ecuador giải cứu thành công Tổng thống

Tổng thống Ecuador Correa đã được giải cứu khỏi sự bao vây của lực lượng cảnh sát nổi loạn tại một bệnh viện ở thủ đô Kito.
Quân đội Ecuador đã giải cứu thành công Tổng thống Rafael Correa bị lực lượng cảnh sát nổi loạn bao vây tại một bệnh viện ở thủ đô Kito.

Ngay sau đó, theo hình ảnh được kênh truyền hình Nhà nước Ecuador, tại quảng trường Carondelet, ông Correa cùng hàng nghìn người đã dành một phút mặc niệm những người đã hy sinh trong chiến dịch giải cứu kéo dài hơn một giờ đồng hồ.

Trước đó vài giờ, Tổng thống Correa đã ra lệnh cho các lực lượng vũ trang giải cứu ông nhưng tránh gây đổ máu.

Nhà lãnh đạo cánh tả Ecuador tuyên bố ông sẽ không đàm phán với những cảnh sát nổi loạn trừ khi họ chấm dứt biểu tình phản đối Luật Dịch vụ công (mới được thông qua), trong đó có Điều khoản 160 cắt giảm những khoản trợ cấp, tiền thưởng cho các lực lượng vũ trang.

Nhóm bạo loạn cho rằng cải cách hành chính này ảnh hưởng tới quyền lợi kinh tế của họ, song thống kê chính thức cho thấy dưới thời Tổng thống Correa, lương của nhân viên cảnh sát đã tăng từ 75% đến 84,9%.

Phản ứng trước vụ bạo loạn tại Ecuador, các nước và tổ chức quốc tế đã đồng loạt lên tiếng phản đối một âm mưu đảo chính đang diễn ra tại quốc gia Nam Mỹ này và bày tỏ sự ủng hộ đối với Tổng thống đương nhiệm Correa.

Theo tin nước ngoài, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã bày tỏ sự qua ngại sâu sắc về "sức khỏe cá nhân" của Tổng thống Correa, đồng thời bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với chính phủ dân cử và các thể chế dân chủ của Ecuador.

Tổng Thư ký Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS) José Miguel Insulza đã triệu tập khẩn cấp một cuộc họp bất thường của Đại hội đồng OAS để bàn về cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay tại Ecuador, khẳng định sự ủng hộ và cam kết của tổ chức này đối với ông Correa cũng như phản đối "hành vi chống lại trật tự thể chế" của lực lượng bạo động. Ông Insulza cho biết đang tìm cách tới Kito trong thời gian sớm nhất có thể.

Tổng Thư ký Liên minh các quốc gia Nam Mỹ (UNASUR) Nestor Kirchner cũng triệu tập cuộc gặp bất thường ngay trong ngày tại Buenos Aires, Argentina nhằm thể hiện tình "đoàn kết tuyệt đối" và "ủng hộ không hạn chế" đối với ông Correa, cũng như tìm ra lối thoát cho cuộc khủng hoảng chính trị này.

Tổng thống Venezuela Hugo Chavez, đồng minh chính trị thân cận của ông Correa, lên án "hành động đảo chính điên rồ," đồng thời kêu gọi các nước trong "Liên minh Bolivar cho châu Mỹ (ALBA)" và UNASUR bảo vệ tổng thống hợp hiến của Ecuador.

Ngoại trưởng Brazil Celso Amorim bày tỏ sự ủng hộ hoàn toàn và tình đoàn kết với ông Correa, đồng thời kêu gọi các tổ chức khu vực phản đối âm mưu đảo chính tại Ecuador.

Chính phủ Cuba cũng ra tuyên bố chính thức "cực lực phản đối cuộc đảo chính" nhằm lật đổ Tổng thống hợp hiến Correa, đồng thời hối thúc Mỹ lên án hành động này.

Havana cảnh báo sự kiện này cùng với cuộc đảo chính quân sự tại Honduras hồi tháng 6/2009 là những hành động nguy hiểm, có thể mở ra một thời kỳ mới với những cuộc đảo chính liên tiếp cùng với việc thiết lập các chế độ độc tài quân sự tại Mỹ Latinh.

Tổng thống Chile Sebastián Piñera cho biết trong cuộc điện đàm với Tổng thống Correa, ông đã bày tỏ tình đoàn kết với nhân dân Ecuador cũng như sự ủng hộ đối với trật tự dân chủ tại nước này.

Chính phủ Colombia khẳng định Bogota chỉ thừa nhận Chính phủ của ông Correa và đã đóng cửa biên giới với Ecuador trong một dấu hiệu thể hiện sự ủng hộ đối với Kito.

Peru cũng tuyên bố đóng cửa biên giới với Ecuador cho đến khi tình hình được làm sáng tỏ và quyền lực của Tổng thống Correa được khôi phục. Bộ Ngoại giao Paraguay ra tuyên bố phản đối mọi âm mưu phá hoại thể chế dân chủ tại Ecuador.

Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Philip Crowley tuyên bố "Washington đang theo dõi sát những gì diễn ra tại Ecuador," đồng thời bảy tỏ sự ủng hộ hoàn toàn của Mỹ đối với Tổng thống Correa và hối thúc chấm dứt cuộc khủng hoảng ở Ecuador một cách hòa bình.

Phát biểu tại cuộc họp khẩn cấp của OAS, Đại sứ Mỹ tại OAS, bà Carmen Lomellin khẳng định Washington "phản đối tất cả những hành động vi phạm hiến pháp và trật tự dân chủ tại Ecuador," đồng thời kêu gọi các bên giải quyết bất đồng thông qua "đối thoại và sự tôn trọng."

Bà Catherine Ashton, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh của Liên minh châu Âu (EU) và Ngoại trưởng Tây Ban Nha - nước đang đảm nhiệm chức chủ tịch luân phiên của EU, đều bày tỏ lo ngại trước tình hình chính trị bất ổn tại Ecuador, đồng thời phản đối âm mưu đảo chính tại quốc gia Nam Mỹ này và yêu cầu thiết lập trật tự và tôn trọng hiến pháp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục