Cúm A/H1N1 đang “tấn công” mạnh vào giới trẻ

Tính đến chiều 16/9, Việt Nam đã ghi nhận 5.648 trường hợp dương tính với cúm A/H1N1, phần lớn tập trung vào lứa tuổi từ 11 - 25 tuổi.
Từ đầu tuần đến nay, số bệnh nhân nhiễm cúm A/H1N1 liên tiếp tăng nhanh, khoảng 200 bệnh nhân/ngày. Tính đến chiều 16/9, Việt Nam đã ghi nhận 5.648 trường hợp dương tính, trong đó có 6 ca tử vong và phần lớn tập trung vào lứa tuổi từ 11 - 25 tuổi.

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống đại dịch cúm ở người ngày 16/9, phó Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã có cuộc trao đổi xung quanh vấn đề này.

Số lượng bệnh nhân tăng đột biến trong mấy ngày qua có phải là vấn đề đáng lo ngại không, thưa ông?

Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Trần Hiển: Giám sát cúm tại 15 điểm giám sát cúm trọng điểm trong cả nước tuần qua cho thấy, 70% số bệnh nhân tại 10/15 điểm giám sát dương tính với cúm A/H1N1. Điều đó khẳng định thêm rằng, việc lây truyền cúm A/H1N1 trong cộng đồng ngày một mạnh hơn.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vẫn nhận định rằng việc bùng phát dịch cúm A/H1N1 là không thể ngăn chặn được. Với Việt Nam, thời gian qua, chúng ta đã cố gắng rất nhiều để giảm sự lây truyền, so với nhiều nước, số ca mắc và đặc biệt là tỷ lệ tử vong do cúm A/H1N1 tại Việt Nam vẫn thấp hơn (khoảng 0,1%).

Tuy nhiên, đây là bệnh mới, người dân chưa có kháng thể, và với mức độ giao lưu như hiện nay thì việc gia tăng bệnh nhân nhiễm cúm A/H1N1 trong thời gian tới là điều khó tránh khỏi. Điều mà người dân cần lưu ý là 70% ca tử vong trên thế giới là người mắc bệnh mạn tính, 30% còn lại là người không có tiền sử bệnh tật. Đặc biệt, những người trẻ là đối tượng mà cúm A/H1N1 tấn công nhiều nhất, chứ không phải người già.

Các tổ chức y tế thế giới đến nay vẫn chưa thể giải thích điều này và vẫn đang tiếp tục nghiên cứu tại sao người trẻ lại dễ mắc bệnh như vậy.

Khi người trẻ là đối tượng tấn công của dịch cúm A/H1N1 thì đây có phải là đối tượng được ưu tiên sử dụng vắcxin (nếu có) không thưa ông?

Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Trần Hiển: Hiện nay, Bộ Y tế đang tiếp tục bàn thảo, tiến tới hoàn thiện đề án sử dụng vắcxin phòng cúm A/H1N1 giai đoạn 2009 - 2010.

Nhưng theo quan điểm của tôi, cũng là quan điểm của nhiều quốc gia trên thế giới thì người trẻ cũng thuộc diện ưu tiên tiêm phòng vắcxin cúm A/H1N1.

Dự kiến, mức độ ưu tiên lần lượt cho những đối tượng nguy cơ cao sẽ là: cán bộ y tế trực tiếp điều trị cúm A/H1N1; phụ nữ mang thai; trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên, mắc bệnh mạn tính; nhóm tuổi từ 15 - 49, 50 - 64 tuổi, sau cùng là 65 tuổi trở lên. Như vậy số đối tượng cần được ưu tiên sẽ rất nhiều.

Liệu Việt Nam có thể mua được đủ số vắcxin cần thiết, trong khi WHO khuyến cáo là lượng vắcxin có hạn?

Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Trần Hiển:
Thông tin mới nhất mà tôi được biết là sản lượng vắcxin sản xuất trên thế giới là khoảng 4,9 tỷ liều. Vấn đề đặt ra với chúng ta hiện nay là mua vắcxin loại tiêm 1 liều, hay 2 liều. Nếu chọn mua loại tiêm 1 liều thì Việt Nam vẫn có thể mua đủ số vắcxin cần sử dụng trong vòng 1 năm là khoảng 5 triệu liều vắcxin.

Vậy trong thời điểm chờ vắcxin như hiện nay, người dân cần “đối phó” với cúm A/H1N1 như thế nào? Làm sao có thể tránh được những tử vong đáng tiếc, trong khi nhiều bệnh nhân không có biểu hiện cúm A/H1N1?

Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Trần Hiển:
Theo số liệu của WHO, đại bộ phận các ca cúm A/H1N1 hiện nay là tự khỏi, nghĩa là không điều trị gì. Quan điểm của WHO và Trung tâm Phòng chống-kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ đến giờ phút này là cũng không điều trị gì cho những người mắc cúm nhẹ. Nếu điều trị trên diện rộng sẽ xảy ra tình trạng kháng thuốc.

Nhưng WHO cũng khuyến cáo, nếu điều trị thì phải sớm trong vòng 48 giờ đầu, điều trị muộn thì nguy cơ tử vong cao.

Riêng tại Việt Nam, hiện nay diễn biến dịch cúm A/H1N1 tại các địa phương không giống nhau, có nơi chỉ có một vài ca rồi thôi, nhưng có nơi tỷ lệ gia tăng nhanh như ở Thành phố Hồ Chí Minh. Vì vậy, tại mỗi tỉnh/thành cần có cách ứng phó khác nhau.

Người dân cũng không nên quá hoang mang, lo lắng, cần tự bảo vệ bản thân và cộng đồng bằng cách thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Khi có biểu hiện bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, chữa kịp thời, hạn chế biến chứng nặng và tử vong./.

(Tin tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục