Bệnh viện công quá tải, cơ hội cho bệnh viện tư

Bệnh viên công quá tải, những cơ chế khuyến khích đặc biệt dành cho các chủ đầu tư bệnh viện tư nhân đã được ban hành nhưng dường như dòng tiền đổ vào lĩnh vực này chưa nhiều như kỳ vọng. Năm 2008 rồi 2009 được dự đoán là “năm của bệnh viện tư và bệnh viện có vốn đầu tư nước ngoài” nhưng tới thời điểm này số bệnh viện tư nhân đã được khai sinh cũng chưa nhiều, quy mô lại nhỏ bé.
Bệnh viên công quá tải, những cơ chế khuyến khích đặc biệt dành cho các chủ đầu tư bệnh viện tư nhân đã được ban hành nhưng dường như dòng tiền đổ vào lĩnh vực này chưa nhiều như kỳ vọng.

Quá tải bệnh viên công

Nằm tại một trung tâm y tế của cả nước với nhiều bệnh viện tuyến trung ương trên cùng địa bàn, bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội) luôn trong tình trạng quá tải. Kết quả tổng hợp cuối năm 2008 từ bệnh viện này cho biết, bệnh viện vượt kế hoạch tới 224,74% cũng vì lý do này.

Bệnh viện này có 500 giường nhưng công suất sử dụng luôn đạt hơn 165%. Hàng năm, bệnh viện khám cho trên 540.000 lượt người và điều trị nội trú cho hơn 40.000 bệnh nhân. Tính trung bình, mỗi cán bộ trong bệnh viện phải phục vụ tới 600 bệnh nhân mỗi năm và mỗi bác sỹ phải khám và điều trị cho hàng ngàn bệnh nhân mỗi năm - công suất này có lẽ chưa nước nào đạt được.

Nhưng đó vẫn chưa phải là kỷ lục ở Việt Nam. Tại Bệnh viện Nhi đồng 2 (Thành phố Hồ Chí Minh), công suất sử dụng giường bệnh lên tới 285%, nghĩa là có tới gần 3 bệnh nhân phải nằm chung một giường trong suốt quá trình điều trị.

Trung bình mỗi bác sỹ hàng ngày phải khám tới 100 bệnh nhân. Tại các bệnh viện đầu ngành tuyến trung ương, công suất sử dụng giường bệnh vượt 200% vẫn là con số được báo cáo nhiều năm nay.

Quá tải bệnh viện công không còn là câu chuyện mới ở Việt Nam. Tình trạng hai, ba bệnh nhân nằm chung một giường, chờ đợi để khám, thậm chí chờ đợi để được… cấp cứu đang được xem như chuyện không tránh khỏi ở các bệnh viện công.

Nhiều biện pháp đã được Bộ Y tế đưa ra như kê thêm giường, mở rộng bệnh viện công… nhưng cũng thông tin từ Bộ này cho biết tới cuối năm 2008, mọi nỗ lực giảm tải chỉ đem lại kết quả 5%.

Trong khi đó, giải pháp lâu dài (chính sách đã được ban hành vài năm trở lại đây) là kích thích khối bệnh viện tư nhân phát triển để san sẻ gánh nặng cho khối công lập, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh xem ra chưa giúp cải thiện tình hình.

Đã thực sự được “ưu đãi”?

Bà Vũ Thị Tư Hằng, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Bình Dân (Thành phố Hồ Chí Minh) không ngần ngại khi cho rằng, các cơ chế ưu đãi đối với bệnh viện tư nhân hiện đã có nhưng chưa thực sự phát huy tác dụng.

“Nhu cầu mở rộng các bệnh viện tư nhân hiện nay rất lớn nhưng nếu vay vốn ngân hàng với lãi suất 13%/năm như hiện nay thì các bệnh viện khó có thể cân đối thu chi”, bà Hằng nói.

Trong khi đó, Nhà nước chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về việc tiếp nhận vốn viện trợ nước ngoài đối với các bệnh viện tư nhân. Câu chuyện tiếp cận nguồn vốn, đất đai để xây dựng, phát triển bệnh viện tư nhân lúc nào cũng “nóng”, mặc dù nhìn về tổng thể, các chính sách ưu đãi để kích thích hệ thống y tế tư nhân phát triển đã được ban hành khá đồng bộ.

Nhìn từ góc độ kinh doanh, việc bệnh viện công quá tải sẽ đem lại một lượng khách hàng tiềm năng cho các bệnh viện tư. Câu chuyện quá tải tại các bệnh viện công và các chính sách kích thích y tế tư nhân phát triển lẽ ra phải tạo động lực mạnh để các bệnh viện tư ra đời.

Nhưng thực tế lại chưa như kỳ vọng. Năm 2008 rồi 2009 được dự đoán là “năm của bệnh viện tư và bệnh viện có vốn đầu tư nước ngoài” nhưng tới thời điểm này số bệnh viện tư nhân đã được khai sinh cũng chưa nhiều, quy mô lại nhỏ bé.

Theo số liệu cập nhật nhất từ Bộ Y tế, cả nước hiện có 83 bệnh viện tư nhân với tổng số 5.429 giường bệnh. Bệnh viện lớn nhất là Bệnh viện đa khoa tư nhân Triều An với 500 giường. Quy mô trung bình của các bệnh viện tư nhân từ 20 – 100 giường.

Nhiều dự án bệnh viện có vốn đầu tư nước ngoài đã đăng ký nhưng tới nay vẫn chưa thực hiện. Theo Cục Điều trị (Bộ Y tế), các bệnh viện tư hầu hết mới triển khai các dịch vụ dễ làm, các loại xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh dễ thu hồi vốn.

Công suất sử dụng giường bệnh tại các bệnh viện tư vẫn còn thấp, khoảng 70%. Ông Lý Ngọc Kính, Cục trưởng Cục Điều trị (Bộ Y tế) cho rằng, ba vấn đề mấu chốt trong chính sách kích thích hệ thống y tế tư nhân phát triển là vốn, ưu đãi thuế và đất đai thì đã giải quyết được.

Tuy nhiên trong thực tế hầu như việc giảm thuế cho doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng bệnh viện chỉ vừa mới được thực hiện. Tại nhiều địa phương do thiếu quỹ đất nên việc giao đất cho các chủ đầu tư không hoàn toàn thuận lợi.

Việc tiếp cận nguồn vốn đối với các chủ đầu tư cũng không đơn giản. Bên cạnh đó, sự công bằng về chuyên môn giữa hệ thống bệnh viện công-tư cũng cần được thiết lập. Đó là các quy chế, tiêu chuẩn quản lý chung cho các cơ sở y tế không phân biệt loại hình sở hữu.

Việc phân hạng bệnh viện tư nhân theo các tiêu chí cụ thể cũng cần được sớm ban hành nhằm tạo điều kiện luân chuyển bệnh nhân, chuyển tuyến giữa bệnh viện tư nhân và bệnh viện công lập, tạo điều kiện để các bệnh viện tư nhân tham gia khám chữa bệnh cho các bệnh nhân có thẻ bảo hiểm y tế./.

Bài viết này được đăng tải theo thỏa thuận bằng văn bản bằng Tạp chí Doanh nhân thuộc VCCI và Vietnam+
(Doanh nhân/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục