Lập lại trật tự khai thác khoáng sản ở Đồng Nai

Lập lại trật tự khai thác khoáng sản ở Đồng Nai

Tình trạng khai thác trái phép khoáng sản thường xuyên ở các địa phương tỉnh Đồng Nai đã bộc lộ nhiều hạn chế trong việc quản lý tài nguyên.
Nhu cầu thị trường tiêu thụ ngày càng lớn đã dẫn đến tình trạng khai thác trái phép xảy ra thường xuyên trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, bộc lộ nhiều hạn chế trong việc quản lý tài nguyên khoáng sản.

Vấn nạn khai thác bừa

Theo Ủy ban Nhân dân huyện Định Quán, nạn khai thác tài nguyên khoáng sản trái phép tại địa phương chủ yếu là khai thác đất và cát. Trong năm 2008, huyện đã kiểm tra xử phạt hành chính trên 8 triệu đồng với 7 đối tượng mua bán, vận chuyển cát trái phép và xử lý 9 bãi cát hoạt động bất hợp pháp, tịch thu hơn 1.200m3 cát. Nhưng số vụ vi phạm được phát hiện xử phạt còn quá thấp so với tình trạng vi phạm khai thác tài nguyên khoáng sản ở Định Quán.

Hầu hết, các vụ vi phạm về khai thác đất trái phép xảy ra là do đối tượng lợi dụng việc xin cải tạo đất, đào ao nuôi cá để lấy đất đi bán thay vì phải lập thủ tục khai thác theo quy định và nhất là tình trạng khai thác cát trái phép trên sông La Ngà và sông Đồng Nai.

Đề cập tới tình trạng khai thác cát trái phép diễn ra tại địa bàn 2 xã Thanh Sơn và Ngọc Định, ông Dương Anh, Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện, thừa nhận: "Huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng kiểm tra, xử lý nhiều đối tượng, bến bãi vi phạm, nhưng vẫn không chặn đứng được tình trạng này! Các đối tượng khai thác cát trái phép dùng nhiều thủ đoạn để qua mặt cơ quan chức năng như: nhấn chìm ghe trên sông khi bị truy đuổi hay để tránh cát bị tịch thu tại các bến bãi, các đối tượng khai thác cát bơm thẳng lên xe tải".

Ở huyện Vĩnh Cửu, chính quyền vừa qua cũng đã xử phạt hành chính 9 trường hợp khai thác tài nguyên khoáng sản trái phép, chủ yếu là vi phạm về khai thác đất với số tiền lên đến hàng chục triệu đồng. Song, việc ngăn chặn khai thác cát trái phép trên sông còn gặp nhiều khó khăn tại địa phương này, bởi đoạn sông chảy qua huyện lại thuộc địa phận quản lý của cả 2 tỉnh Đồng Nai và Bình Dương.

Các đối tượng khai thác cát chủ yếu thực hiện vào ban đêm và mỗi khi bị kiểm tra thì họ chạy sang địa phận khác hoặc nhấn chìm ghe.

Trước tình hình trên, huyện Vĩnh Cửu đã thành lập các tổ kiểm tra trên sông Đồng Nai (đoạn sông qua huyện Vĩnh Cửu), xây dựng quy chế phối hợp trong công tác kiểm tra, xử lý khai thác cát trái phép với huyện Tân Uyên (tỉnh Bình Dương) và có kế hoạch phối hợp giữa Công an huyện với Phòng Cảnh sát giao thông đường thủy, Công an Đồng Nai. Tuy có sự phối hợp chặt chẽ như vậy, nhưng các ngành chức năng cũng chỉ xử lý được 3 trường hợp vi phạm khai thác cát trên sông Đồng Nai.

Mặc dù tỉnh đã có quyết định tạm cấm khai thác cát một số đoạn trên sông Đồng Nai và khai thác cát nhiễm mặn trên sông Nhà Bè, Đồng Tranh và Lòng Tàu nhưng qua nhiều cuộc kiểm tra đột xuất của Sở Tài nguyên và Môi trường vẫn phát hiện tình trạng khai thác cát trái phép trên sông Đồng Nai, các sông suối khác và khai thác vật liệu san lấp ở trong tỉnh vẫn còn diễn biến phức tạp. "Việc ngăn chặn triệt để các hành vi khai thác tài nguyên khoáng sản trái phép là hết sức khó khăn." - Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường than.

Điều chỉnh lại quy hoạch


Trước những hạn chế, yếu kém trong quản lý khai thác khoáng sản thì việc điều chỉnh kế hoạch, cũng như bổ sung quy hoạch thăm dò khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản tỉnh đến năm 2010 để đáp ứng được những yêu cầu về xây dựng ở Đồng Nai và những vùng phụ cận là việc làm cấp bách của Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai.

Đáng chú ý, việc đưa ra khỏi quy hoạch khai thác nhiều mỏ khoáng sản, trong đó có 13 khu vực đá xây dựng khai thác, thăm dò khai thác công nghiệp và dự trữ với tổng diện tích 1.086ha, tài nguyên dự báo trên 384 triệu m3; 19 khu vực sét gạch ngói với diện tích hơn 1.000ha, trữ lượng 143 triệu m3; 11 khu vực vật liệu san lấp 420ha, trữ lượng 15 triệu m3; 7 khu vực cát xây dựng 785ha, trữ lượng 39 triệu m3 và 1 khu vực than bùn 77ha, trữ lượng 190.000m3. Riêng trên địa bàn thành phố Biên Hòa, sau năm 2010 sẽ đóng cửa toàn bộ các mỏ đá đang khai thác, mặc dù trữ lượng tài nguyên ở khu vực này còn khoảng 6,5 triệu m3.

Ông Lê Viết Hưng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, cho biết một trong những nhiệm vụ cấp thiết điều chỉnh lại quy hoạch hiện nay, đó là bảo vệ tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường và bảo đảm an ninh, trật tự xã hội tại những khu vực có khoáng sản.

Bên cạnh đó, vấn đề về giảm thiểu tác động môi trường do khai thác khoáng sản cũng cần đặt ra. Bởi thực tế thời gian qua, quá trình khai thác, có doanh nghiệp đã không tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của pháp luật về đảm bảo môi trường, độ rung, tiếng ồn... khiến dân cư quanh vùng khai thác khoáng sản luôn là đối tượng phải "lãnh đủ" tác hại.

Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Ao Văn Thinh cho hay, việc khai thác khoáng sản trong thời gian tới, không những phải phù hợp với kế hoạch phát triển hạ tầng cơ sở, mà còn trong quá trình khai thác phải tuyệt đối bảo vệ được môi trường, tránh gây mâu thuẫn với với nhân dân quanh khu vực có mỏ./.
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục