Bồ Đào Nha tiếp tục bị hạ mức xếp hạng tín dụng

Hãng xếp hạng tín dụng quốc tế Moody's  thông báo đã hạ mức xếp hạng nợ chính phủ của Bồ Đào Nha xuống hai mức, từ AA2 xuống A1.
Bồ Đào Nha ngày 13/7 lại "hứng đòn" kinh tế mới sau khi hãng xếp hạng tín dụng quốc tế Moody's đánh giá các hoạt động tài chính của nước này đang xấu đi, trong khi Ngân hàng Trung ương Bồ Đào Nha cảnh báo kinh tế nước này sẽ suy giảm mạnh vào cuối năm nay.

Bộ phận dịch vụ cho nhà đầu tư của Moody's thông báo đã hạ mức xếp hạng nợ chính phủ của Bồ Đào Nha xuống hai mức, từ AA2 xuống A1; đồng thời dự báo các chiều hướng nợ sẽ tiếp tục ở tình trạng "xấu ổn định" trong vòng ít nhất hai đến ba năm nữa, do tỷ lệ nợ tính theo Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cuối cùng có thể lên đến 90%. Moody's cũng lo ngại về triển vọng tăng trưởng kinh tế trung hạn của Bồ Đào Nha.

Tháng ba vừa qua, Fitch cũng đã hạ mức xếp hạng nợ chính phủ của Bồ Đào Nha từ AA xuống AA-, trong khi Standard & Poor's tháng sau đó hạ hai mức, xuống A-.

Nhà phân tích Anthony Thomas cho biết, các tỷ lệ nợ tính theo GDP và Tổng sản phẩm quốc dân (GNP) của Bồ Đào Nha đã tăng mạnh trong 2 năm qua. Trong khi đó, hiện vẫn chưa rõ kế hoạch cải cách thị trường lao động và một số cải cách khác của Lisbon có giúp kinh tế đạt mức tăng trưởng đủ để đảo chiều tình trạng nợ nần hiện nay hay không. Điều này đồng nghĩa về ngắn và trung hạn, Chính phủ Bồ Đào Nha sẽ vẫn ở trong tình trạng nợ nần tương đối cao.

Bộ trưởng Tài chính Bồ Đào Nha Fernando Teixeira dos Santos cho rằng, quyết định trên của Moody's không có gì đáng ngạc nhiên vì hãng này đã không xem xét vấn đề nợ nần của Bồ Đào Nha từ 12 năm nay. Theo một nhà kinh tế làm việc tại Credit Agricole, tập đoàn ngân hàng lớn thứ tư tại Pháp và lớn thứ tám trên thế giới theo tiêu chí vốn bậc một, đánh giá "xấu ổn định" của Moody's phần nào mang ý nghĩa "tích cực" vì nó chứng tỏ trong tương lai gần, hãng này sẽ không tiếp tục hạ mức xếp hạng tín dụng của Bồ Đào Nha nữa.

Với thâm hụt ngân sách nhà nước ở mức 9,4% GDP trong năm 2009, Bồ Đào Nha nằm trong nhóm nước ghi nhận mức thâm hụt ngân sách lớn nhất Khu vực đồng euro cùng với Tây Ban Nha và Hy Lạp. Lisbon đang nỗ lực giảm mức thâm hụt này xuống 7,3% trong năm nay thông qua các biện pháp tăng thuế và giảm lương trong khu vực nhà nước.

Theo Ngân hàng Trung ương Bồ Đào Nha, kinh tế quốc gia Tây Âu này sẽ giảm mạnh vào cuối năm nay và có thể rơi vào tình trạng suy thoái trong năm tới. Mặc dù đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế từ 0,4% lên 0,9% trong năm nay, nhưng ngân hàng này lại hạ dự báo tăng trưởng trong năm tới từ 0,8% xuống chỉ còn 0,2%, với lý do các biện pháp "thắt lưng buộc bụng" của chính phủ sẽ dẫn đến nhu cầu tiêu thụ trong nước giảm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục