Lại đàm phán cứu trợ

Chủ nợ nối lại đàm phán với Hy Lạp về cứu trợ

Eurozone, ECB và IMF bắt đầu tiến hành hai thủ tục quan trọng nhằm thực thi gói cho vay mới đã nhất trí tại Brussels hôm 26-27/10.
Ba ngày sau hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) tại Brussels (Bỉ) để bàn về vấn đề nợ công của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), các chuyên gia Eurozone, Ngân hàng trung ương châu Âu và Quỹ tiền tệ quốc tế ngày 12/12 bắt đầu nối lại các cuộc đàm phán với Chính phủ Hy Lạp về gói cứu trợ thứ hai dành cho nước này.

Bộ trưởng tài chính Hy Lạp, Evangelos Venizelos, cho hay ba bên bắt đầu tiến hành hai thủ tục quan trọng nhằm thực thi gói cho vay mới đã được nhất trí tại Brussels hôm 26-27/10 và các cuộc đàm phán với các chủ nợ để xóa bỏ 50% nợ cho Hy Lạp.

Hy Lạp đang trải qua cú sốc lớn về niềm tự hào và sự tín nhiệm, sau khi các thị trường tài chính quay lưng lại với nước này do khoản nợ khổng lồ lên tới trên 350 tỷ euro (470 tỷ USD), buộc Athens phải tìm kiếm sự trợ giúp của Liên minh châu Âu (EU) và IMF.

[Nợ công của châu Âu sẽ khiến Mỹ thiệt hại nặng]

Eurozone hồi tháng 10/2011 đã nhất trí với Hy Lạp về gói cho vay mới trị giá 130 tỷ euro, trong đó 30 tỷ euro sẽ được dùng để tái huy động vốn cho các ngân hàng. Trong tổng số 110 tỷ euro gói cho vay ban đầu thời hạn ba năm mà Athens ký năm 2010, Hy Lạp đã nhận được 73 tỷ euro. Mục tiêu của gói cứu trợ đầu tiên này là xóa bỏ 100 tỷ euro nợ của Hy Lạp và đưa tỷ lệ nợ của nước này từ mức trên 160% GDP xuống 120% GDP vào năm 2020.

Các quan chức Viện tài chính quốc tế tham gia đàm phán với các chủ nợ dự kiến sẽ tới Athens trong tuần này. Tuy nhiên, Bộ trưởng Venizelos cảnh bảo thỏa thuận với các chủ nợ sẽ là "trận chiến" khó khăn trong hoàn cảnh kinh tế châu Âu và thế giới bất ổn hiện nay. Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu cuối tuần qua đã tán thành việc thực thi chính sách ngân sách thắt chặt hơn trong nỗ lực "tuyệt vọng" cứu Eurozone.

Sau nhiều năm dậm chân tại chỗ trong việc tiến tới hội nhập sâu sắc hơn, giờ đây 26 trong tổng số 27 nước EU (trừ Anh) đã bày tỏ sự sẵn sàng tham gia "thỏa thuận tài chính mới" để giải quyết cuộc khủng hoảng đang đe dọa gây chia rẽ liên minh tiền tệ này.

Nhiều nhà phân tích nhìn nhận ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) hiện là hy vọng lớn nhất của đồng tiền chung châu Âu, sau khi các nhà lãnh đạo Eurozone phải vật lộn nhằm tăng quy mô Quỹ bình ổn tài chính châu Âu lên 1.000 tỷ euro. 17 nước Eurozone đã ký thỏa thuận nói trên, trong khi 9 nước EU khác bày tỏ khả năng tham gia vào tiến trình này sau khi tham vấn với Quốc hội./.

Như Mai (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục