Iran làm phim riêng, lên án "Argo" xuyên tạc lịch sử

Iran sẽ làm một bộ phim riêng về cuộc khủng hoảng con tin năm 1979, lên án bộ phim đoạt Quả cầu Vàng Argo là xuyên tạc lịch sử.
Iran đang lên kế hoạch làm một bộ phim của riêng mình về cuộc khủng hoảng con tin năm 1979 nhằm đáp trả lại bộ phim “xuyên tạc lịch sử” có tên Argo – tác phẩm vừa thắng lớn tại giải Quả cầu Vàng hôm 13/1. Theo các phương tiện truyền thông Iran cho biết hôm 15/1 thì diễn viên kiêm đạo diễn Iran Ataollah Salmanian đã tiết lộ rằng kịch bản cho “Argo phiên bản Iran” đã sẵn sàng. "Bản thảo cho bộ phim  'Setad Moshtarak' (Đại tướng quân) đã được hội đồng nghệ thuật phê duyệt và đang chờ được cấp kinh phí để quay.” “Bộ phim sẽ nói về việc 20 con tin người Mỹ đã được trao trả lại sứ quán nước này bởi những thành phần cách mạng Iran vào thời điểm khởi đầu cuộc cách mạng đạo Hồi. Đây sẽ là câu trả lời thích đáng với những bộ phim bị xuyên tạc như ‘Argo’.” [Argo và Ben Affleck thắng lớn ở giải Quả cầu Vàng] Theo AFP, ngày 4/11/1979, các sinh viên theo đạo Hồi tại Iran đã tiến vào đại sứ quán Mỹ tại Tehran và bắt những nhà ngoại giao tại đây làm con tin trong suốt 444 ngày. Hành động này đã khiến mối quan hệ ngoại giao giữa Washington và Tehran trở nên cực kì căng thẳng. “Argo” do diễn viên kiêm đạo diễn Hollywood Ben Affleck thực hiện, kể về một nhân viên CIA cho chính anh thủ vai giải cứu sáu nhà ngoại giao Mỹ khỏi đại sứ quán Canada tại Tehran. Tác phẩm này được cho là không bám sát lịch sử và phóng đại vai trò của CIA trong việc giải cứu các con tin và bỏ qua công đóng góp của các công sứ Canada có mặt tại Tehran vào thời điểm đó.

Ben Affleck trong Argo (Nguồn: Hollywood.com)
Trong lễ trao giải Quả cầu Vàng 2013, “Argo” đã giành hai giải lớn là Phim chính kịch và Đạo diễn xuất sắc nhất. Tại Iran, bộ phim này đã bị cấm song các phiên bản đĩa lậu vẫn được lan truyền khắp nơi. Các phương tiện truyền thông Iran đã hạ thấp thành công của “Argo” và coi giải Quả cầu Vàng là “một buổi lễ chính trị.” Tờ 7Sobh nhận xét: “ ‘Argo’ là nỗ lực tái hiện lại Tehran vào năm 1980 của Ben Affleck. Dù cho bộ phim này rất kì cục đối với người Iran song nó lại khiến những nhà phê bình và chuyên gia điện ảnh Mỹ cảm thấy thích thú”./.
Quốc Thịnh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục