Vai trò của Liên hợp quốc trong hậu khủng hoảng

Tổng Thư ký UNCTAD cảnh báo tiến trình cải tổ sâu sắc, có ý nghĩa hệ thống tài chính toàn cầu sau khủng hoảng đang mất động lực.
Tổng Thư ký Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) Supachai Panitchpakdi cảnh báo tiến trình cải tổ sâu sắc và có ý nghĩa hệ thống tài chính toàn cầu sau khủng hoảng dường như đang mất dần động lực.

Phát biểu ngày 10/5 khai mạc Hội nghị chuyên đề công của Liên hợp quốc hàng năm lần thứ hai tại Geneva, Thụy Sĩ, ông nêu rõ Liên hợp quốc, chứ không chỉ Nhóm G-20 gồm các nền kinh tế phát triển và đang phát triển hàng đầu thế giới, giữ vai trò lãnh đạo trong hoạch định và thúc đẩy tiến trình cải cách này.

Tổng Thư ký Panitchpakdi nêu rõ chủ nghĩa đa phương toàn diện trong tiến trình cải tổ nền kinh tế tài chính toàn cầu phải dựa trên cơ sở G-192 - Liên hợp quốc với 192 nước thành viên. Hầu hết các nước đang phát triển dường như bị coi là người ngoài cuộc trong tiến trình giải quyết cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất trong vòng 70 năm qua.

Ông nhấn mạnh các nước đang phát triển không thể tiếp tục giữ vai trò như hiện nay do thế giới vẫn chưa thực sự phục hồi về nguồn nhân lực từ cuộc khủng hoảng này và các nước phát triển không còn là nguồn đáng tin cậy để đưa kinh tế toàn cầu thoát khỏi khủng hoảng.

Các nền kinh tế đang lên cần hỗ trợ nhau và tăng cường hợp tác tài chính và buôn bán Nam-Nam có tầm quan trọng sống còn để cung cấp nguồn đầu tư, ổn định kinh tế và thúc đẩy thương mại.

Đại diện giới học giả, kinh doanh, quốc hội các nước và các tổ chức xã hội dân sự tham gia hội nghị trên còn cảnh báo tác động lâu dài của cuộc khủng hoảng vừa qua đối với các nước đang phát triển.

Đồng thời, các học giả này nhấn mạnh trong bối cảnh cuộc khủng hoảng nợ của Hy Lạp có nguy cơ lan rộng, thế giới cần thúc đẩy cải tổ tài chính toàn cầu nhanh hơn với một tư duy mới đề cao hơn nữa vai trò quan trọng của các nước đang phát triển trong tiến trình phát triển kinh tế toàn cầu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục