Thêm bốn luật mới vừa chính thức được công bố

Bốn luật mới được công bố gồm Luật An toàn thực phẩm, Luật Nuôi con nuôi, Luật Trọng tài thương mại và Luật Thi hành án hình sự.
Ngày 8/7, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo về Lệnh của Chủ tịch nước công bố bốn luật mới gồm: Luật An toàn thực phẩm, Luật Nuôi con nuôi, Luật Trọng tài thương mại và Luật Thi hành án hình sự.

Các luật này đã được Quốc hội khóa XII thông qua tại kỳ họp thứ 7.

Luật Nuôi con nuôi vì lợi ích tốt nhất của người được nhận làm con nuôi

Xác lập quan hệ cha, mẹ và con lâu dài, vì lợi ích tốt nhất của người được nhận làm con nuôi, bảo đảm cho con nuôi được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trong môi trường gia đình là mục đích của Luật Nuôi con nuôi.

Luật gồm 5 chương, 52 điều, quy định chi tiết về nuôi con nuôi trong nước, nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước về nuôi con nuôi.

Theo luật, nguyên tắc giải quyết việc nuôi con nuôi phải tôn trọng quyền của trẻ em được sống trong môi trường gia đình gốc, chỉ cho làm con nuôi người ở nước ngoài khi không thể tìm được gia đình thay thế ở trong nước.

Việc nuôi con nuôi phải bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người được nhận làm con nuôi và người nhận con nuôi, không trái pháp luật và đạo đức xã hội.

Luật quy định nâng độ tuổi của trẻ em được cho làm con nuôi từ 15 tuổi (theo pháp luật hiện hành) đến dưới 16 tuổi (điều 8), người nhận nuôi con nuôi phải nộp lệ phí đăng ký.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng cho biết Luật Nuôi con nuôi tạo khung khổ pháp lý thống nhất, ổn định, có giá trị áp dụng lâu dài để thu hút sự quan tâm, ủng hộ và giúp đỡ của toàn xã hội đối với công tác bảo vệ, chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ em, nâng cao trách nhiệm của tất cả các ngành, các cấp, cơ quan, tổ chức và xã hội trong việc bảo đảm quyền của trẻ em.

Việc thông qua luật này cũng thể hiện sự tôn trọng các cam kết quốc tế của Việt Nam khi tham gia Công ước quốc tế về quyền trẻ em.

Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2011.

Luật An toàn thực phẩm có nhiều điểm mới và khác biệt so với Pháp lệnh

Chương III quy định điều kiện bảo đảm an toàn đối với thực phẩm (từ điều 10 đến điều 18) là một chương hoàn toàn mới của Luật an toàn thực phẩm so với Pháp lệnh vệ sinh an toàn thực phẩm.

Chương này quy định dù là sản phẩm ở dạng nào cũng phải bảo đảm các điều kiện chung nhất.

Ngoài các điều kiện chung (điều 10), đối với các nhóm thực phẩm cụ thể, đặc thù như thực phẩm tươi sống, thực phẩm đã qua chế biến, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng... cần phải bảo đảm thêm một số điều kiện riêng.

Một điểm khác biệt hơn so với Pháp lệnh vệ sinh an toàn thực phẩm là Luật đã quy định riêng đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ và giao bộ chuyên ngành quy định điều kiện phù hợp và khả thi cho từng loại hình (chương IV).

Thức ăn đường phố là một loại hình kinh doanh đặc biệt và hiện là đối tượng gây ngộ độc thực phẩm cao nhất, vì vậy, chương IV của Luật đưa ra một mục riêng quy định về điều kiện bảo đảm an toàn trong kinh doanh thức ăn đường phố.

Nếu như Pháp lệnh quy định Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩn trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm là vô thời hạn thì Luật quy định giấy này chỉ có giá trị trong 3 năm (chương V).

Để quản lý tốt về an toàn thực phẩm, luật quy định phải tiến hành các hoạt động phân tích nguy cơ đối với an toàn thực phẩm bao gồm đánh giá nguy cơ, quản lý nguy cơ và truyền thông về nguy cơ.

Luật cũng đưa ra các quy định về điều kiện an toàn đối với thực phẩm xuất khẩu cũng như những yêu cầu trong trường hợp có yêu cầu từ phía nước nhập khẩu.

Luật thi hành án hình sự thể hiện chính sách khoan hồng, nhân đạo của Nhà nước

Luật thi hành án hình sự gồm 15 chương, 182 điều quy định về hệ thống tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan có thẩm quyền trong thi hành án hình sự; thi hành án phạt tù; án tử hình; án treo, án phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ; phạt cấm cư trú, quản chế và nhiều nội dung khác.

Việc quy định về hệ thống tổ chức và nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan có thẩm quyền trong thi hành án hình sự đã phân định rõ, rành mạch chức năng của cơ quan quản lý với cơ quan thi hành án hình sự và cơ quan được giao một số nhiệm vụ thi hành án hình sự, bảo đảm sự phân công, phối hợp đồng bộ trong thực hiện trên thực tế, bảo đảm quản lý tập trung, thống nhất vào một đầu mối nhằm nâng cao hiệu quả công tác.

Điều 21 của Luật quy định trong thời hạn ba ngày kể từ ngày ra quyết định thi hành án phạt tù và hình phạt bổ sung, Tòa án phải gửi quyết định thi hành án cho người chấp hành án và các cơ quan có liên quan.

Điều 42 quy định về định mức, định lượng tiêu chuẩn ăn, chỗ nằm của phạm nhân (diện tích tối thiểu 2m2, phạm nhân có con nhỏ ở cùng được bố trí tối thiểu 3m2 ).

Các điều 44, 46, 47 và 48 quy định Nhà nước bảo đảm chế độ mặc và tư trang cho phạm nhân cũng như các chế độ hoạt động thể dục, thể thao, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, gặp thân nhân, nhận quà, liên lạc và chăm sóc y tế đã thể hiện tính nhân văn của pháp luật và chính sách nhân đạo của Nhà nước.

Điều 45 còn quy định riêng về chế độ đối với phạm nhân nữ có thai và nuôi con nhỏ dưới 36 tháng để tạo điều kiện thuận lợi cho họ trong việc bảo vệ sức khỏe, nuôi con.

Điều 59 quy định hình thức “thi hành án tử hình được thực hiện bằng tiêm thuốc độc.”

Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2011.

Xác định mối quan hệ pháp lý giữa trọng tài thương mại với Tòa án, Viện Kiểm sát, Thi hành án

Đây là một trong những tâm điểm quan trọng nhất của Luật Trọng tài thương mại. Theo luật, thẩm quyền của Tòa án được ghi nhận tại Điều 7 và một số điều khác đã ghi nhận những trường hợp hỗ trợ cụ thể của Tòa án đối với Trọng tài.

Thẩm quyền của Viện Kiểm sát được quy định tại điều 46 về thu thập chứng cứ, điều 47 về triệu tập người làm chứng, điều 53 về áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, điều 71 về hủy phán quyết Trọng tài.

Thẩm quyền của cơ quan Thi hành án cũng đã được quy định tại Điều 8 của Luật.

Tính xác định và rõ ràng của những quy định này sẽ tạo điều kiện để các cơ quan tư pháp và Hội đồng trọng tài cũng như các bên tranh chấp tránh được lúng túng trong các trường hợp cụ thể.

Tổ chức trọng tài thương mại là tổ chức xã hội nghề nghiệp nên việc thành lập phải được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Việc cấp phép thành lập tổ chức này thuộc thẩm quyền của Bộ Tư pháp.

Luật Trọng tài thương mại gồm 13 chương, 82 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2011./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục