"Quan hệ Việt-Nhật sẽ phát triển sâu rộng hơn nữa"

Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế Việt Nam cho rằng với nhiều nét tương đồng, quan hệ Việt-Nhật sẽ tiếp tục phát triển sâu rộng.
Ông Teruyoshi Kubota, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế Việt Nam (VERI) cho rằng với nhiều nét tương đồng về văn hóa, có thể bổ sung, hỗ trợ nhau về nhiều mặt, quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Nhật Bản sẽ tiếp tục phát triển sâu rộng hơn nữa trong thế kỷ 21.

Ông Teruyoshi Kubota đã được Việt Nam trao Huy chương hữu nghị cho những người bạn Nhật Bản có đóng góp cho phát triển quan hệ hai nước ngày 9/3.

Ông Kubota cho biết, lần đầu tiên ông đến Việt Nam là vào năm 1990, trong đoàn khảo sát ngành công nghiệp ôtô của Việt Nam. Ngày đó tuy còn nghèo, nhưng ông nhận thấy con người Việt Nam luôn lạc quan, yêu đời, chăm chỉ và những hình ảnh đó đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong ông.

Khi đó ông đã có cảm nhận rằng đất nước này sẽ chuyển mình nhanh chóng khi gặp thời cơ tốt. Năm 1991, VERI được thành lập nhờ sự hợp tác giữa Bộ Ngoại giao và Bộ Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (nay là Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp) với Bộ Thương mại Việt Nam (nay là Bộ Công Thương).

Là chuyên gia nghiên cứu lâu năm về kinh tế Trung Quốc và Hàn Quốc, ông cho rằng con đường phát triển của kinh tế Việt Nam cũng sẽ có nhiều điểm tương đồng như hai nền kinh tế này và với tình cảm tốt đẹp đối với đất nước và con người Việt Nam, ông đã gia nhập đội ngũ các chuyên gia nghiên cứu của VERI với mong muốn đóng góp những kiến thức, kinh nghiệm của mình cho sự phát triển của quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản.

VERI có nhiệm vụ chính là nghiên cứu về các lĩnh vực liên quan tới kinh tế Việt Nam và tổ chức các cuộc hội thảo giới thiệu chủ trương, chính sách, pháp luật, văn hóa, môi trường đầu tư… ở Việt Nam cho các nhà nghiên cứu, các doanh nghiệp quan tâm đến việc đầu tư vào Việt Nam.

Là Viện trưởng, ông Kubota cho rằng để tạo uy tín cho VERI, cần phải cung cấp các thông tin chính xác về những lĩnh vực trên cho các nhà đầu tư Nhật Bản, cần nghiên cứu, phân tích, đánh giá tình hình kinh tế Việt Nam và đưa ra những lời khuyên đúng cho các nhà đầu tư.

Bên cạnh việc tổ chức các cuộc hội thảo để chuyển tới các nhà đầu tư những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam, các văn bản pháp luật mới và giới thiệu môi trường đầu tư ở Việt Nam, ông và các chuyên gia của VERI còn tổ chức các cuộc khảo sát thực tế cho các doanh nghiệp Nhật Bản để tìm hiểu thị trường, môi trường đầu tư và tìm kiếm đối tác.

Trong 20 năm qua, VERI đã tư vấn cho hàng trăm công ty Nhật Bản đầu tư và làm ăn có hiệu quả tại Việt Nam. Ông Kubota đánh giá cao chủ trương, chính sách của ban lãnh đạo Việt Nam nhằm phát triển cân bằng giữa các miền Bắc, Trung và Nam.

Tuy nhiên, ông cũng nhận thấy rằng việc tự quảng bá hình ảnh và những lợi thế của mình với các nhà đầu tư nước ngoài của các tỉnh miền Trung vẫn còn yếu so với các thành phố lớn ở miền Bắc và miền Nam. Ông cho rằng các địa phương không nên chỉ trông chờ vào “bầu sữa” của chính quyền trung ương, mà cần tự nỗ lực tìm kiếm cách đi phù hợp với địa phương mình.

Qua các chuyến công tác tới Đà Nẵng, ông đã tư vấn cho thành phố miền Trung này mở văn phòng đại diện tại Tokyo để quảng bá hình ảnh và thu hút du khách và các nhà đầu tư Nhật Bản đến với Đà Nẵng.

Với sự giúp đỡ của ông, thành phố Đà Nẵng đã thành lập văn phòng đại diện nằm trong trụ sở của VERI ở Tokyo từ tháng 11/2004.

Ngoài thành phố Đà Nẵng, ông Kubota và VERI cũng đã thiết lập được các mối quan hệ hợp tác với nhiều tỉnh, thành phố khác như Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, Nghệ An, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Lâm Đồng, Thành phố Hồ Chí Minh…, giúp mở rộng hoạt động của VERI cũng như hoạt động đối ngoại, thu hút đầu tư của các tỉnh, thành phố này.

Về hoạt động của VERI trong năm 2010, ông Kubota cho biết, đây là năm quan trọng đối với Việt Nam vì là năm cả nước kỷ niệm nhiều ngày lễ lớn và vì vậy VERI sẽ cố gắng góp phần kỷ niệm năm quan trọng này.

Một trong những dự án lớn mà VERI góp phần thúc đẩy từ mùa hè năm ngoái đã “đơm hóa kết trái” là dự án xây dựng các nhà máy chế biến thép của Tập đoàn Kobe Steel, trị giá 1 tỷ USD, mới được cấp phép ngày 31/3 năm nay.

Ngoài ra, ông còn muốn thúc đẩy thành công dự án xây dựng các nhà máy cho các doanh nghiệp Nhật Bản thuê tại khu công nghiệp Quế Võ ở tỉnh Bắc Ninh, qua đó giúp phát triển ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam.

Bên cạnh đó, ở Nhật Bản, VERI sẽ cố gắng tổ chức các cuộc hội thảo kinh tế, thương mại và môi trường đầu tư Việt Nam nhằm cung cấp các thông tin chính xác tới các nhà đầu tư Nhật Bản./.

(Báo Tin Tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục