Indonesia sẽ chi 60,6 tỷ USD cho chăm sóc sức khỏe

Chi phí chăm sóc sức khỏe của Indonesia dự báo sẽ đạt 60,6 tỷ USD vào năm 2018, với mức tăng trưởng 14,9% trong giai đoạn 2012-2018.
Công ty tư vấn Frost & Sullivan vừa công bố một báo cáo nghiên cứu, trong đó dự báo chi phí chăm sóc sức khỏe của Indonesia sẽ đạt 60,6 tỷ USD vào năm 2018, với mức tăng trưởng 14,9% trong giai đoạn 2012-2018, do mức tăng nhanh hơn của các nhóm người độ tuổi trên 35, đô thị hóa và sự gia tăng của các bệnh liên quan đến lối sống.

Giám đốc về lĩnh vực chăm sóc sức khỏe của Frost & Sullivan, Hannah Nawi cho biết tuổi trung bình của Indonesia là 28 và các nhóm tuổi trên 35 năm được dự báo sẽ tăng trưởng nhanh hơn mức trung bình trong giai đoạn 2010-2014, đồng thời đô thị hóa và dân số lão hóa sẽ chi phối nhu cầu chăm sóc sức khỏe ở Indonesia.

Theo bà Hannah Nawi, sự gia tăng các bệnh mãn tính và liên quan đến lối sống, bao gồm cả ung thư và tiểu đường, đặc biệt là ở các thành phố, cũng sẽ đóng một vai trò lớn trong sự gia tăng nhu cầu công đối với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe trong vài năm tới.

Trong một động thái liên quan, Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện Indonesia (PERSI), Sutoto lưu ý rằng hệ thống y tế quốc gia trong khuôn khổ Luật các nhà cung cấp an sinh xã hội (BPJS) cũng sẽ đóng một vai trò quan trọng trong sự gia tăng chi tiêu y tế, bởi dự kiến tất cả mọi người dân Indonesia đủ điều kiện sẽ được bảo hiểm y tế vào năm 2019, từ mức 121,6 triệu người trong tổng dân số trên 240 triệu người hiện nay.

Ông Sutoto cho rằng việc thực hiện BPJS sẽ thực sự mở ra nhiều cơ hội cho ngành công nghiệp chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là cho các bệnh viện tư nhân, bởi theo luật này khoảng 86 triệu người thu nhập thấp không tiếp cận được các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, sẽ được bảo hiểm y tế với sự trợ giúp của chính phủ.

Tuy nhiên, nhà phân tích hàng đầu của Frost & Sullivan, Nitin Dixit cho rằngIndonesia vẫn còn phải đối mặt với rất nhiều thách thức trong việc đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về các dịch vụ y tế, trong đó trước hết là sự phân bố không đồng đều các nguồn lực, từ bệnh viên, bác sỹ, nhân viên y tế đến cơ sở hạ tầng.

Ông Sutoto cho biết Indonesia hiện mới đạt tỷ lệ 3 bác sỹ trên 10.000 dân, thấp hơn nhiều so với mức tương ứng 9/10.000 dân của Malaysia, hay 64/10.000 dân của Cuba, và rất thiếu bác sỹ, đặc biệt là bác sỹ chuyên khoa.

Theo ông Sutoto, để nâng cao hiệu quả thực thi BPJS, các bệnh viện cần cắt giảm phí và nâng cao chất lượng dịch vụ, đồng thời chính phủ cũng cần tăng cường hỗ trợ thông qua giảm thuế, ưu đãi sử dụng điện nước để các cơ sở y tế có thể mở rộng số giường bệnh dành cho nhóm những người có thu nhập thấp./.

Việt Tú/Jakarta (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục