Tình trạng "học gạo" ở Hàn Quốc gây lãng phí lớn

Có tới 95% học sinh phổ thông trung học Hàn Quốc nói rằng họ chưa từng có cơ hội hướng nghiệp hay học nghề tại các cơ sở công nghiệp.
Có tới 95% học sinh phổ thông trung học Hàn Quốc nói rằng họ chưa từng có cơ hội hướng nghiệp hay học nghề tại các cơ sở công nghiệp.

Con số này nếu đem so sánh với các nước châu Âu thì quả là một trời một vực. Một thống kê của Tổ chức hợp tác phát triển (OECD) cho biết 96,5% công nhân tại Phần Lan nói rằng họ có cơ hội để thực tập nghề nghiệp tại các cơ sở công nghiệp, con số này ở Anh là 84,7%, tại Đan Mạch là 87,15% và tại Thụy Điển là 79,3%.

Thống kê của Viện nghiên cứu Hàn Quốc về cơ hội đào tạo tạo và hướng nghiệp cho biết Hàn Quốc là một trong những quốc gia tồi nhất trong OECD trong lĩnh vực tổ chức hướng nghiệp cho học sinh, tạo cơ hội cho họ tham quan các nhà máy và trực tiếp nghe các chủ doanh nghiệp nói chuyện, những cơ hội để giúp họ tìm được nghề nghiệp thích hợp trong tương lai.

Nghiên cứu cũng cho biết phần lớn sinh viên Hàn Quốc đều quyết định chọn nghề nghiệp cho mình khi hoàn toàn không được tận mắt nhìn thấy cơ sở làm việc.

Các học sinh trung học phổ thông Hàn Quốc đều tìm cách để vào bằng được một trường đại học mà thường không để ý đến chuyên ngành do thiếu giáo dục hướng nghiệp. Chính vì thế rất dễ dàng có thể tìm thấy các trường học sinh viên không thể lựa chọn con đường sự nghiệp của mình thậm chí kể cả sau khi đã tốt nghiệp.

Giờ đây, chỉ có rất ít sinh viên Hàn Quốc học đại học đúng 4 năm mà thời gian này thường kéo dài thêm khoảng 2 năm nữa do họ phải học ngoại ngữ và học các chuyên ngành phục vụ cho tìm kiếm việc làm.

Có một thực trạng là các sinh viên đã tốt nghiệp thường bỏ việc sau khoảng 1 đến 2 năm đi làm để quay trở lại trường để theo đuổi một chuyên ngành khác hoặc đi du học gây phiền muộn cho các bậc phụ huynh. Hiện trạng này không những gây lãng phí quỹ thời gian, tiền bạc của cá nhân mà còn gây tổn thất nguồn nhân lực của quốc gia trên bình diện tổng thể.

Kết quả một cuộc thăm dò mới đây cho thấy trong số những người đăng ký làm công việc môi trường đô thị tại trụ sở các quận ở Seoul có tới 37% có bằng cử nhân xã hội học hoặc cao hơn. Điều này phản ánh hiện tượng có rất nhiều người tìm kiếm việc làm thấp hơn mức họ được đào tạo. Thực trạng này cũng cho thấy sự thừa thãi nguồn nhân lực được đào tạo đại học.

Thống kê năm 2008 cho biết có 83,8% học sinh trung học phổ thông Hàn Quốc đã vào các trường đại học, tỷ lệ cao hơn rất nhiều so với mức 51,4% của năm 1995. Hiện tượng này cũng có nguyên nhân từ chính sách giáo dục vĩ mô, theo đó chính phủ gia tăng cơ hội việc làm cho những người có đào tạo cao hơn nhưng lại không chú trọng đến việc giáo dục hướng nghiệp.

Hàn Quốc cũng đứng đầu thế giới về số người có học vấn nhưng không có ý định hoặc không được hướng nghiệp để đi làm ngay sau khi tốt nghiệp đại học. Điều này phản ánh thực tế là tuổi của những nhân viên mới vào làm việc trong các tập đoàn ngày càng cao. Đây chính là hệ quả của việc thiếu sự giáo dục hướng nghiệp. Trong khi các doanh nghiệp liên tục phản nàn rằng họ thiếu lao động lành nghề thì ở Hàn Quốc ngày càng gia tăng số thanh niên không thể có nổi một chỗ làm việc.

Sinh viên Hàn Quốc đã chứng tỏ khả năng của họ trong các kỳ thi hàn lâm quốc tế với vị trí cao trong các môn ngoại ngữ, toán học và khoa học. Tuy nhiên, họ lại thiếu những kiến thức cần thiết về việc làm và thị trường lao động. Một xã hội mà các sinh viên có thể làm việc chỉ bằng những kiến thức học được trên ghế nhà trường đang qua đi nhanh chóng cùng với sự phát triển vũ bão của công nghệ thông tin./.
Khánh Vân/Seoul (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục