Chứng khoán châu Á đỏ sàn phiên ngày 18/12

Theo các chuyên gia, chứng khoán châu Á giảm điểm do tâm lý thận trọng của nhà đầu tư trước triển vọng thu nhập của doanh nghiệp.
Trong phiên giao dịch ngày 18/12, hầu hết sàn chứng khoán châu Á đều đi xuống do tâm lý lo ngại về thị trường lao động Mỹ.

Ngoài ra, thị trường còn bị đè nặng bởi thông tin cho hay Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (cơ quan đặt ra những quy định trong hệ thống tài chính toàn cầu) sẽ đưa ra những yêu cầu nghiêm ngặt hơn về vốn đối với các ngân hàng và cản trở xu hướng đầu tư vào các tài sản mang tính rủi ro.

Hầu hết các thị trường ở châu Á đã "mỏi mệt" sau đợt phục hồi mạnh kéo dài từ tháng 3/2009.

Đóng cửa phiên 18/12, chỉ số chứng khoán tổng hợp Thượng Hải giảm 65,19 điểm xuống 3.113,89 điểm, trong đó cổ phiếu của các nhà thầu xây dựng mất giá mạnh nhất. Nguyên nhân dẫn tới hiện tượng này là do Bắc Kinh vừa đưa ra các quy định khiến các nhà thầu này gặp khó khăn hơn khi mua đất.

Theo đà đi xuống của Phố Uôn, chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 0,05% xuống 1.647,04 điểm, trong khi chỉ số KOSPI của thị trường Nhật Bản cũng giảm 21,75 điểm xuống 10.142,05 điểm.

Tại Ấn Độ, chỉ số Sensex giảm 0,2%, trong khi chứng khoán Singapore giảm 0,8%.

Tâm lý "xả hàng" ở thời điểm cuối năm khiến thị trường chứng khoán Philippines đóng cửa với mức giảm 1,02%.

Ngược với xu hướng đi xuống của khu vực, thị trường chứng khoán Đài Loan lại tăng 0,15% trong phiên 18/12. Tương tự, VN-Index của Việt Nam cũng tăng 1,95%  lên 443,34 điểm.

Theo một số chuyên gia phân tích, chứng khoán châu Á giảm điểm trong phiên 18/12 do tâm lý thận trọng của nhà đầu tư trước triển vọng thu nhập của các doanh nghiệp. Một nguyên nhân nữa đó là nhóm cổ phiếu của các công ty hoạt động trong lĩnh vực tài nguyên bị bán tháo trong bối cảnh giá vàng hạ.

Chỉ số chứng khoán khu vực châu Á-Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) mặc dù giảm 0,6% trong phiên 18/12, nhưng vẫn tăng tới hơn 60% nếu tính từ đầu năm tới nay.

Trong khi đó, chứng khoán Mỹ phiên 17/12 phải chịu sức ép lớn của một loạt nhân tố: đồng USD mạnh, những thống kê yếu ớt về thị trường việc làm Mỹ và Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) đánh tiếng về khả năng sẽ thu lại một số biện pháp hỗ trợ khẩn cấp trong năm 2010 khi nền kinh tế phục hồi vững chắc.

Trên thị trường đang nổ ra các cuộc tranh luận về thời điểm Mỹ sẽ tăng lãi suất từ mức siêu thấp hiện nay./.
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục