Rạp Thanh Niên sẽ là tụ điểm sân khấu hài Bắc

Trong tháng 7, khán giả sẽ được "mua một tặng một vé" với các buổi diễn của đoàn kịch Nhà hát Tuổi trẻ tại rạp đảo Thiền Quang (rạp Thanh Niên).
Trong tháng 7 này, toàn bộ các chương trình biểu diễn của đoàn kịch 2 Nhà hát Tuổi trẻ tại rạp đảo Thiền Quang (vừa được đặt tên là rạp Thanh Niên) sẽ được khuyến mại bằng hình thức "mua một tặng một" theo giá vé 80.000 đồng.

"Thực sự thì hạ giá vé không phải là một giải pháp hay, nhưng đó là cách để tạo được thói quen tới rạp của khán giả. Tôi động viên anh em, hạ giá vé để khán giả thấy được tấm lòng của mình" - Nghệ sĩ ưu tú Chí Trung, trưởng đoàn kịch 2 Nhà hát Tuổi trẻ tâm sự.

Dù anh nói thế nào, giá vé rẻ vẫn là một thông tin mà khán giả đặc biệt quan tâm...
 
Chúng tôi không vui vì cách mà chúng tôi tự tiếp thị cho mình (hạ giá vé) là theo một kiểu rất "nhà quê". Nhưng "nhà quê" mà vẫn cần làm, vì đó là giải pháp hữu dụng trong thời gian ngắn, để khán giả trước tiên cũng tạo được thói quen tới rạp.
 
Bạn biết đấy, người ta vẫn có câu đùa "của rẻ là của ôi". Là nghệ sĩ, chẳng ai muốn tự bớt tôn trọng mình bằng cách hạ thấp giá trị của chất xám bỏ ra. Thực tế cho thấy, những chương trình Đời cười trong dăm bảy năm vừa rồi chúng tôi có hạ giá vé đâu. Thế nhưng khán giả vẫn nô nức bỏ tiền vào rạp. Còn bây giờ, tôi động viên anh em là hạ giá vé để khán giả thấy được tấm lòng của mình.
 
Có nghĩa, trong tương lai anh sẽ không còn những chương trình khuyến mại nữa?
 
Chúng tôi sẽ khuyến mại bằng cách khác. Tôi mong rạp Thanh Niên trong tương lai sẽ đỏ đèn đều đặn vào hai buổi tối cuối cùng mỗi tuần. Tùy theo chất lượng vở diễn, giá vé có thể là 60.000, 80.000 đồng hoặc cao hơn nữa. Bù lại, khoản tiền từ 2 đêm diễn ấy sẽ được cắt sáng để "đỡ" cho giá vé của đêm diễn giữa tuần.
 
Đối tượng được ưu đãi giá vé ấy là học sinh, sinh viên - những khán giả trong tương lai dài của kịch Tuổi trẻ. Khi họ cảm nhận được sự hấp dẫn của sân khấu thì thói quen đến rạp xem kịch sẽ bắt đầu.
 
Đi xa hơn, nếu điều kiện cho phép, chúng tôi sẽ làm thẻ hội viên quanh năm cho  những khán giả thường xuyên có nhu cầu tới rạp. Có thể, cái tên đặt ra sẽ là hội viên... Hội Cười chẳng hạn.
 
Và theo kế hoạch sắp tới, kịch Tuổi trẻ sẽ mời thêm những nghệ sĩ tên tuổi cùng tới rạp để tham gia biểu diễn?
 
Chúng tôi sẽ mời những nghệ sĩ có sự tương đồng với phong cách của Nhà hát Tuổi trẻ. Trước mắt, về hài kịch, đó có thể là những Minh Vượng, Minh Hòa, Xuân Bắc, Tự Long, Phạm Bằng...
 
Chương trình chúng tôi muốn xây dựng với các diễn viên này có tên gọi là Siêu thị cười do Nghệ sĩ Nhân dân Lê Hùng đạo diễn. Nôm na, đêm nay thì có 4 nhóm hài kịch biểu diễn, đêm mai thì lại có những nhóm khác. Khán giả có thể thoải mái lựa chọn theo sở thích của mình.
 
Nếu ổn thỏa, trước mắt rạp Thanh Niên sẽ trở thành tụ điểm chung của các nhóm sân khấu hài phía Bắc. Tôi nói với họ, các bạn nếu về đây, thù lao biểu diễn có thể sẽ thấp hơn đôi chút so với những show biển diễn bên ngoài. Bù vào đó, sẽ không còn cái cảnh diễn viên phải phơi mặt ra bán vé, dùng xe căng băngrôn đánh trống thổi kèn khắp hang cùng ngõ hẻm.
 
Đó sẽ là mô hình gắn với sân khấu IDECAF phía Nam, cho dù IDECAF tới nay cũng chưa hẳn là một mô hình thật sự hoàn hảo.
 
Vậy những tiết mục của kịch Tuổi trẻ tại rạp Thanh Niên trong thời gian tới sẽ gồm những gì?
 
Chúng tôi đang lập một vở bi hài kịch và một vở kịch vừa. Vở thứ nhất là "Người hùng chạy trốn" của tác giả Nguyễn Thanh Bình, với nội dung xoay quanh bi kịch của một cá nhân "trót" tố giác tham nhũng, sau đó phải loay hoay chạy trốn trong suốt phần đời còn lại.
 
Vở thứ hai là "Chuyện loa phường" của tác giả Đỗ Minh Tuấn, nói về hệ thống loa phường của chúng ta. Cả 2 vở đều do tôi dàn dựng./.

(TT&VH/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục