Nỗi đau dai dẳng ở làng ung thư Thạch Sơn

Trong vòng 10 tháng của năm nay, tại xã Thạch Sơn có 14 người chết vì ung thư trong tổng số 55 người đã phát hiện ra căn bệnh này.
“Trong vòng 10 tháng của năm nay, xã có 14 người chết vì ung thư trong tổng số 55 người đã phát hiện ra căn bệnh này. So với những năm trước, số người bị ung thư vẫn tăng lên”, ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Thạch Sơn (huyện Lâm Thao - Phú Thọ) nói.

"Có nhà ung thư, chết sạch”


Chuyện về “làng ung thư” ở Phú Thọ đã một thời “rộ lên” hồi năm 2005. Một vài năm gần đây, chuyện về làng này lại lắng xuống, vì báo chí đã bớt về. Thế nhưng gần đây, khi đến mảnh đất này, nhiều người vẫn không khỏi sửng sốt vì những sự thật hiện hữu.

Với khuôn mặt sạm đen, làn da khô đét, đôi mắt quầng thâm, chị Phan Thị Oanh (42 tuổi, khu 4, xã Thạch Sơn) tâm sự, nhà chị đang phải dùng nước giếng ăn. Bố mẹ chị có 6 người con thì hiện nay có 4 người mắc bệnh. Chị đang điều trị ở Bệnh viện Việt Trì và chuẩn bị cắt thận. Tiền điều trị của chị đã hết 13 triệu đồng, đang vay nợ ngân hàng.

Chị Oanh bị ung thư thận, anh trai chị mắc ung thư phổi. Mẹ chị là Lê Thị Lương, năm nay 86 tuổi, cũng bị ung thư phổi, đang nằm điều trị ở Bệnh viện Phú Thọ. Với giọng nói run run, chị Oanh cho biết: “Hàng xóm nhà tôi, có nhà còn bị ung thư chết không còn ai. Người cuối cùng của nhà này chết là năm ngoái, năm kia gì đó!”

Theo ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Chủ tịch xã, từ năm 2005, báo chí bắt đầu rầm rộ đưa tin về tình trạng ung thư của xã, thì địa phương mới bắt đầu để ý, thống kê. Những con số thống kê đã nói rõ sự thật rằng nỗi đau nơi đây vẫn còn âm ỉ. Năm nào cũng có người ung thư chết và số người bị ung thư tăng lên.

Năm 2007, xã Thạch Sơn thống kê được 47 người mắc. Năm 2008 tăng lên 49 người. Đến thời điểm này, xã có 55 người bị ung thư và từ đầu năm đến nay đã có 14 người chết vì ung thư! Ông Thắng cho biết số người bị ung thư nhiều nhất vẫn là ung thư gan, phổi, vòm họng… Ở xã Thạch Sơn bây giờ có 6,9% số hộ nghèo. Nhà nào có người bị ung thư cũng phải bán đất để lấy tiền chữa bệnh.

Mỏi mòn chờ nước sạch


Trước thực trạng ô nhiễm được cảnh báo từ năm 2005, Chính phủ đã phê duyệt quyết định cấp nước sạch cho toàn bộ xã và 2 thị trấn Hùng Sơn và Lâm Thao. Năm 2009, hệ thống này đã hoàn thiện.

Ông Triệu Vương Hà, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Lâm Thao nói: “Dự án xây dựng hệ thống nước sạch cho xã chúng tôi và 2 thị trấn được Nhà nước đầu tư gần 42 tỷ đồng. Riêng dự án cho Thạch Sơn là 19 tỷ đồng. Đến tháng 3/2009 cơ bản đã xong hạ tầng. Nước có đủ cho 8 khu. Và hiện nay đã có 8/10 khu được cấp nước. 2 khu còn lại, chưa có nước vì người dân chưa ký hợp đồng.”

Điều này hoàn toàn trái ngược với thực tế đang diễn ra tại các khu dân cư. Gia đình ông Lê Văn Thêm, trưởng thôn của khu 8, xã Thạch Sơn là một trong những hộ may mắn được cấp nước trước. Ông Thêm và hàng trăm hộ dân của 2 khu khấp khởi mừng vì nghĩ sắp giã từ cảnh ngày ngày xách xô vào xóm khác xin nước. Ai ngờ, nước cứ phập phù bữa có, bữa không.

Dự án cấp nước này do Ủy ban Nhân dân huyện Lâm Thao làm chủ đầu tư. Theo lời ông Triệu Vương Hà, các đơn vị thi công đã mua đồng hồ đạt chuẩn, có xuất xứ, bảo hành. Thế nhưng, ông Lê Văn Thêm cho biết: “Tất cả các van lắp đặt đều mạ đồng, không phải van đồng, bẻ ra đen sì.”

Anh Phan Văn Vững, cán bộ cấp nước sinh hoạt của Hợp tác xã nông nghiệp dịch vụ của xã cho biết: “Sau 10 ngày vận hành, nước thất thoát 68%. Van bục, nước bung, đồng hồ cháy. Ngày nào chúng tôi cũng lập biên bản”. Tại khu 8, ông Thêm đã thống kê được có 22 hộ bị bục van nước, 1 hộ bị vỡ đồng hồ nước”.

Ông Hà cho biết: “Chúng tôi đã xem xét và kết luận là đường ống vỡ vì cặn bã. Còn một số khớp nối đường ống dẫn nước trong khu dân cư, bị bục có thể do xe tải đi qua đi lại. Về cơ bản chúng tôi đã cho sửa hết”.

Khi phóng viên đến nhà ông Thêm, anh con trai cả của ông đang loay hoay trút những giọt nước cuối cùng trong chiếc can nhựa để đun nước mời khách. Trong cuốn sổ nhật ký trực nước của ông Thêm, số ngày mất nước, ngày bục van nhiều hơn số ngày nhà có nước để dùng. Nếu có thì nước vẫn chảy rất yếu. Rất nhiều gia đình trong thôn ngày ngày vẫn phải xách những chiếc can nhựa 20-30 lít đi xin nước ở thôn 1, nơi được đầu tư dự án nước giếng khoan của UNICEF từ năm 2001.

19 tỷ đồng để đầu tư cho hệ thống nước sạch phục vụ cho người dân là một số tiền không nhỏ, vậy mà thực tế, khi dự án hoàn thành, người dân Thạch Sơn vẫn phải khổ vì nước. Thôn 8 là 1 trong 3 thôn chịu ảnh hưởng nặng nhất từ nguồn thải của Nhà máy Supe. Những người dân nơi đây vẫn đang từng ngày từng giờ ngóng chờ nước sạch./.
 
"Lò gạch thủ công là một trong những nhân tố được coi là thủ phạm của hiện tượng ung thư trong xã. Cuối năm 2008, xã đã xóa sổ được 89 lò gạch thủ công gây ô nhiễm môi trường mà không phải cưỡng chế. Đây là một thành công rất lớn của xã”, ông Thắng tự hào nói.

Từ tháng 7/2007, xã được đầu tư dự án xây dựng lò gạch theo kiểu mới, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Để xây dựng một lò như thế này, người dân phải mất hơn 500 triệu đồng! Thế nên, cả xã chỉ có 9 hộ gia đình đủ điều kiện làm lò gạch mới.
(Tin Tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục