"Long An cần cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư"

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng Long An cần cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, tranh thủ sự hợp tác của các nhà tài trợ.
Ngày 16/4, tỉnh Long An tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2020, tầm nhìn 2030.

Dự lễ công bố, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã biểu dương những thành tựu về kinh tế-chính trị-xã hội, an ninh-quốc phòng của Long An trong thời gian qua. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng đề nghị Long An cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành của Trung ương, các địa phương liên quan, cộng đồng các doanh nghiệp, nhà đầu tư, thực hiện tốt một số nội dung về tổ chức tổng kết đánh giá công tác đầu tư, kịp thời đề xuất, bổ sung, sửa đổi và hoàn thiện cơ chế chính sách phù hợp để huy động cao nhất các nguồn lực.

Tỉnh cũng cần cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, tranh thủ có hiệu quả sự hợp tác của các nhà tài trợ trong và ngoài nước.

Long An cần xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể bằng kế hoạch 5 năm, hàng năm để thực hiện tốt nhất quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Quy hoạch đất, quy hoạch ngành, quy hoạch sản phẩm chủ yếu cấp quốc gia, cấp tỉnh và quy hoạch kinh tế xã hội cấp huyện, tuân thủ đúng định hướng quy họach tổng thể đã đề ra; định kỳ rà soát, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch để phù hợp với thực tiễn triển khai. Tỉnh tập trung thu hút đầu tư các dự án có hàm lượng công nghệ hiện đại vào những ngành, lĩnh vực là lợi thế chính, động lực chủ yếu đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cũng yêu cầu Long An cần có những giải pháp cụ thể nhằm huy động mọi nguồn lực trong và ngoài nước để cùng với các bộ, ngành Trung ương, địa phương phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại trong đó ưu tiên các dự án công trình có ý nghĩa chiến lược kết nối vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Tại hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Long An Đỗ Hữu Lâm cho biết Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2020, tầm nhìn 2030 của Long An được chia thành 3 vùng kinh tế. Vùng 1 là vùng nông nghiệp, du lịch và kinh tế cửa khẩu, thuộc các huyện Vĩnh Hưng, Tân Hưng, Mộc Hóa, Tân Thạnh, Thạnh Hóa, Châu Thành và một phần huyện Thủ Thừa. Vùng 2 là vùng đệm sinh thái, nằm giữa hai con sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây. Mục tiêu của vùng này bảo vệ vùng 1 khỏi tác động tới hoạt động phát triển khu đô thị và công nghiệp quá mức của vùng 3. Vùng 3 là vùng kinh tế trọng điểm phát triển đô thị và công nghiệp, gồm sông Vàm Cỏ Đông và các huyện Đức Hòa, Bến Lức, Cần Giuộc, Cần Đước, một phần huyện Tân Trụ ở vùng Hạ, thành phố Tân An và một phần huyện Thủ Thừa.

Quy hoạch trên được thực hiện theo phương pháp quy hoạch chiến lược thay vì quy hoạch tổng thể như cách làm phổ biến hiện nay. Mục tiêu là xây dựng Long An trở thành tỉnh phát triển bền vững, hài hòa giữa khu vực đô thị và nông thôn; có trình độ công nghệ cao, hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; nguồn nhân lực có chất lượng cao; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng nâng cao, có nền an ninh-quốc phòng vững mạnh.

Long An phấn đấu đến năm 2020, cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân thời kỳ năm 2012-2030 đạt 12,5%/năm; trong đó giai đọan 2012-2020 tăng 13%/năm. Đến năm 2020, GDP bình quân đầu người đạt 80 triệu đồng/năm và tầm nhìn năm 2030, GDP bình quân đầu người đạt 172,0 triệu đồng/năm.

Năm 2012 tăng trưởng kinh tế của tỉnh vẫn đạt được mức tăng trưởng khá (10,5%), GDP bình quân đầu người đạt 36,6 triệu đồng (tương đương 1.800 USD), sản lượng lương thực đạt gần 2,7 triệu tấn, giá trị sản xuất công nghiệp theo giá hiện hành đạt trên 82.000 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu đạt gần 2,4 tỷ USD, thu ngân sách đạt hơn 5.600 tỷ đồng. Đến nay, tỉnh đã thu hút được 461 dự án đầu tư nước ngoài với tổng số vốn đăng ký 2.976 triệu USD.

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có 498 dự án đầu tư trong nước với tổng số vốn đăng ký hơn 73.570 tỷ đồng và gần 5.000 doanh nghiệp trong nước hoạt động. Toàn tỉnh có 30 khu công nghiệp, 40 cụm công nghiệp với diện tích quy hoạch là gần 15.140ha trong đó, có 16 khu công nghiệp đi vào hoạt động với tỷ lệ lấp đầy 42,9%; 9 cụm công nghiệp hoạt động với tỷ lệ lấp đầy 79,4%. Hiện, tỉnh có hơn 5.000ha đất sạch có khả năng tiếp nhận các dự án đầu tư./.

Thanh Bình (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục