"Tỷ phú gàn” ở Mẫu Sơn

Chuyện đời của gã "tỷ phú gàn” trên đỉnh Mẫu Sơn

Khi ông vác gần 1.000 cây vàng lên đỉnh Mẫu Sơn để xây nhà nghỉ, mọi người biết chuyện đều bảo là gàn, là hâm nhưng ông mặc kệ.
Đứng trong khuôn viên khu nhà nghỉ 9 gian trên đỉnh Mẫu Sơn, tôi không khỏi ngỡ ngàng. Khu nhà nghỉ này gồm 6 phòng nghỉ được xây dựng theo kiến trúc Pháp cổ trên diện tích hơn 5.600m2, không gian thoáng đãng với sân, vườn và khu vui chơi rộng rãi.

Cơ ngơi đáng giá đến chục tỷ đồng này thuộc sở hữu của một ông lão đã bước vào cái tuổi thất thập cổ lai hy.

Ông là Hoàng Sinh, sinh ra và lớn lên ở phố Hàng Buồm, Hà Nội. Người dân nơi đây vẫn quen gọi ông là ông Sinh “gàn”!

Vác… vàng lên núi xây nhà nghỉ!

Lần theo lời giới thiệu của anh Hoàng Văn Tạ, cán bộ của Ủy ban nhân dân xã, chúng tôi tìm đến khu nhà nghỉ 9 gian trên đỉnh Mẫu Sơn.

Những ngày này, khi miền Bắc đang phải hứng chịu đợt không khí lạnh tăng cường thì trên đỉnh Mẫu Sơn nhiệt độ thường xuyên duy trì ở mức 3-4 độ C, mây mù ken đặc đến độ chỉ cách nhau vài bước chân mà chẳng nhìn thấy mặt người.

Thấy có khách đến, ông chủ nhà Hoàng Sinh vội vàng pha trà và cho thêm than vào bếp để chúng tôi sưởi ấm. Ông có cái vẻ bề ngoài khá giản dị mà thoạt nhìn tôi không dám nghĩ ông lại là chủ của cái cơ ngơi này.

Nhâm nhi chén trà nóng bên bếp than hồng đang đỏ lửa, ông đã kể về cái cơ duyên của đời mình với mảnh đất này, mảnh đất đã biến ông từ một gã “gàn,” gã “hâm” thành tỷ phú.

Ông bảo: Những năm 60 của thế kỷ trước, ông và gia đình làm nghề xây dựng. Do đặc thù của công việc nên hầu như ông đã đặt chân đến tất cả các vùng miền trong cả nước từ Bắc chí Nam. Nhưng khi lần đầu tiên đặt chân lên Mẫu Sơn, ông đã bị cuốn hút bởi cái vẻ hoang sơ thuần túy của núi rừng, sông suối và con người nơi đây. Và chính sự cuốn hút kỳ lạ đó đã kéo ông trở lại, gắn bó với mảnh đất này đến nay đã gần 15 năm.

Năm 1999, sau nhiều lần đấu tranh tư tưởng với gia đình, bạn bè, ông hạ quyết tâm lên Mẫu Sơn để đầu tư xây dựng nhà nghỉ và làm du lịch.

Ông tâm sự: Giờ nhiều khi nghĩ lại thấy bạn bè, gia đình lúc đó nói cũng có cái lý của nó. Ngày đó, Mẫu Sơn chỉ có lác đác một vài ngôi nhà biệt thự cũ của Pháp, đường sá đi lại khó khăn, điện nước thì thiếu thốn, trong khi đời sống của người dân còn nghèo thì có ai lại nghĩ đến chuyện đi nghỉ, đi du lịch cơ chứ.

Nghĩ là làm, ông vác gần 1.000 cây vàng lên Mẫu Sơn xây nhà nghỉ. Vào thời điểm đó, với số tiền trên ông có thể mua đến cả chục căn nhà ở phố Hàng Buồm nên khi mọi người biết chuyện đều bảo ông là hâm, là gàn!

Bỏ ngoài tai mọi lời can ngăn của gia đình, bạn bè, sau gần 5 năm ăn ngủ trên đỉnh Mẫu Sơn, khu nhà nghỉ 9 gian của ông đã hoàn thành. Tại thời điểm đó, nó là nhà nghỉ duy nhất ở đây.

Ông kể: Thời gian đầu, suốt cả tháng trời cũng chẳng thấy bóng dáng người khách nào nên nhiều khi cũng buồn, cũng nản. Một mình lủi thủi trong khu nhà nghỉ rộng mênh mông khiến ông không ít lần định bỏ về. Nhưng rồi, chẳng biết có phải cái cơ duyên với mảnh đất này hay không mà cứ khất lần, khất lượt mãi ông chẳng muốn xa nó.

Và rồi đến năm 2004, khách du lịch tìm lên Mẫu Sơn ngày càng nhiều, công việc làm ăn của ông cũng dần trở nên khấm khá. Ông nhớ lại: Khi đó, một mình ông làm không xuể nên phải thuê thêm người, ban đầu chỉ là 2 người nhưng sau đó là 4, 5 và 6 người. Hiện nay, công việc làm ăn của ông rất thuận lợi, phát đạt.

Ông cho biết, hàng năm khu nhà nghỉ của ông thu hút hàng trăm lượt du khách và phần đông trong số đó là khách quen của từ những năm 2004, doanh thu cũng được khoảng trên dưới 100 triệu đồng.

Hiện nay, ngoài cho thuê phòng nghỉ, ông còn mở thêm dịch vụ tắm thuốc của người Dao. Ông nhẩm tính tổng thu nhập hàng năm cũng lên tới 150 đến 200 triệu.

90 tỷ cũng nhất định không bán!

Đó là lời tâm sự tự đáy lòng của ông khi được hỏi dự định về tương lai.

Ông bảo vài năm trở lại đây, số lượng nhà nghỉ ở Mẫu Sơn ngày càng nhiều. Các công ty lữ hành, các công ty du lịch cũng tìm đất rồi xây nhà nghỉ nên lượng khách của ông cũng giảm đi nhiều.

Quả thật trong vài năm trở lại đây, các tour du lịch nghỉ dưỡng và khám phá Mẫu Sơn ngày càng thu hút được đông đảo du khách trong và ngoài nước, số lượng nhà nghỉ cũng nhiều, của tư nhân có, nhà nước có nhưng có một thực tế là khu nhà nghỉ của ông Sinh vẫn “sống khỏe”, vẫn thu hút được một số lượng lớn khách du lịch bởi sự cổ kính, giản dị của nó.

Anh Bùi Văn Tuấn, một khách du lịch đến từ Bắc Giang cho biết: Từ nhiều năm nay, tôi vẫn thường cùng gia đình bạn bè lên Mẫu Sơn vào mỗi dịp cuối tuần để nghỉ ngơi. Mặc dù ở đây có rất nhiều nhà nghỉ khác, tiện nghi và hiện đại hơn, giá thành cũng chẳng đắt hơn là bao nhưng chúng tôi vẫn thích ở khu nhà nghỉ 9 gian của ông Sinh.

"Chúng tôi đến với Mẫu Sơn để tận hưởng cái không khí trong lành, hoang sơ tự nhiên của mảnh đất này. Mỗi lần nghỉ tại đây, bên bếp lửa hồng, nhâm nhi chén trà nóng, chúng tôi đều rất thích thú lắng nghe những câu chuyện mà ông Sinh kể về mảnh đất này," anh bảo. "Ông ấy hiểu rõ mảnh đất này như chính con người mình vậy."

Ông Sinh cho biết, hiện nay duy chỉ có nhà nghỉ của ông là được cấp quyền sử dụng đất còn các nhà nghỉ khác chỉ là hợp đồng thuê đất 30 hay 50 năm. Chính vì thế, có không ít cá nhân hay các công ty du lịch đã tìm đến ông đặt vấn đề sẵn sàng mua lại khu nhà nghỉ này với giá cả chục tỷ đồng. Mới đây, đã có người dưới Lạng Sơn lên trả ông 9 tỷ đồng, nhưng ông từ chối.

Lý giải cho sự "gàn dở" của mình, ông nói: "Mặc dù vài năm gần đây, tình hình kinh tế có nhiều biến động nên lượng khách đi du lịch có giảm hơn so với những năm trước nhưng tôi tin một ngày không xa, hoạt động du lịch sẽ mang lại sự giàu có cho mảnh đất này, đặc biệt là với những ai gắn bó với nó."

Không những thế, ông Sinh lại đang tiếp tục đầu tư xây dựng một khu nhà nghỉ nữa trên đỉnh Mẫu Sơn. Ông cho biết, tổng kinh phí dự kiến đầu tư vào khu nhà nghỉ này vào khoảng 3 tỷ đồng.

Ông khẳng định: Đến khi nào tôi không thể tiếp tục công việc này được nữa, tôi sẽ bàn giao lại khu nhà nghỉ này cho con cháu tôi chứ nhất định tôi không bán, không rời xa mảnh đất này. "9 tỷ chứ 90 tỷ tôi cũng nhất định không bán!" - lão ông nói chắc nịch./.

(Thanh Ngọc/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục