Huế xây dựng thương hiệu hàng thủ công mỹ nghệ

Từ nay đến 2012, Thừa Thiên-Huế đầu tư 14,75 tỷ đồng cho việc khôi phục và phát triển nghề, làng nghề và sản xuất sản phẩm xuất khẩu.
Từ nay đến năm 2012, tỉnh Thừa Thiên-Huế đầu tư khoảng 14,75 tỷ đồng, cho việc khôi phục và phát triển nghề, làng nghề và sản xuất sản phẩm xuất khẩu.

Bên cạnh chú trọng xây dựng thương hiệu, tạo lối ra cho hàng thủ công mỹ nghệ, tỉnh tập trung đẩy mạnh phát triển sản xuất sản phẩm xuất khẩu gắn với giải quyết việc làm trong nông nghiệp nông thôn.

Tỉnh phấn đấu có 1.700 lao động làng nghề và 1.500 lao động sản xuất hàng xuất khẩu trong nông nghiệp nông thôn được đào tạo nghề, giải quyết việc làm và tăng nguồn thu nhập cho người lao động.

Mới đây, qua tuyển chọn ở 58 đơn vị với 176 bộ sản phẩm thuộc năm nhóm ngành, hàng là mộc mỹ nghệ, chạm khảm xương, các sản phẩm từ gỗ, thêu, dệt, các sản phẩm từ kim loại, mây tre, đan lát..., sản phẩm có nguyên liệu từ mây tre, giấy, chế biến lương thực, thực phẩm và đồ gốm truyền thống, tỉnh Thừa Thiên-Huế đã chọn được 31 mẫu sản phẩm đưa vào sản xuất hàng lưu niệm mang đặc trưng và thương hiệu Huế.

Thành phố Huế thực hiện các chính sách khuyến khích, phát triển được gần 1.000 cơ sở sản xuất hàng thủ công truyền thống, thu hút trên 6.000 lao động, bao gồm các ngành nghề mộc mỹ nghệ, chạm khảm đồ gỗ, khảm xương, khảm trai, sơn mài, thêu, đúc đồng, mây tre đan, nghề chằm nón lá, kim hoàn, sản xuất giày dép da, may...

Thành phố đã vận động được một số cơ sở đầu tư nghiên cứu sản xuất các mẫu hàng lưu niệm mới phục vụ khách du lịch. Thành phố có chính sách hỗ trợ vốn khuyến công cho một số hợp tác xã thực hiện dự án chuyển giao công nghệ mới. Nhiều mặt hàng thủ công truyền thống như mộc mỹ nghệ, đúc đồng, thêu tay truyền thống, mỹ nghệ chạm khảm, kẹo mè xửng, tôm chua đã được cải tiến nâng cao chất lượng, có mặt trên thị trường trong và ngoài nước.

Ngoài ra, hoạt động đào tạo nghề của các đề án khuyến công không chỉ đáp ứng nhu cầu học nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, mà còn góp phần cung ứng nguồn nhân lực có tay nghề cho các làng nghề, cơ sở sản xuất trong việc mở rộng sản xuất sản phẩm mỹ nghệ truyền thống cho tiêu dùng và xuất khẩu. Nhiều nghề thủ công mỹ nghệ khác như thêu, chạm bạc, đúc đồng, gốm mỹ nghệ... đang được tỉnh Thừa Thiên-Huế hỗ trợ đào tạo theo lối truyền nghề, mở rộng sản xuất, quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm đến với người tiêu dùng.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế Phan Ngọc Thọ, cho biết biện pháp của Thừa Thiên-Huế hiện nay là gắn kết giữa du lịch và tiêu thụ sản phẩm nghề thủ công truyền thống. Tỉnh tiến hành quy hoạch khôi phục, phát triển các làng nghề truyền thống hiện có như Làng nghề Phường Đúc, Làng thêu Thuận Lộc, Làng chằm nón Phú Cam đồng thời xây dựng các chương trình tour, tuyến tham quan gắn liền các làng nghề truyền thống để du khách nghiên cứu tiếp cận nét văn hóa đặc trưng truyền thống của địa phương nhằm tổ chức tiêu thụ tốt các mặt hàng lưu niệm, hàng đặc sản của mình.

Thời gian tới, tỉnh phát huy hơn nữa vai trò của Hiệp hội thủ công mỹ nghệ Huế, các hội nghề, trường Đại học Mỹ thuật Huế... để xây dựng kế hoạch khôi phục một số làng nghề tiêu biểu theo hướng tổ chức trình diễn phục vụ khách du lịch, du khách có thể tham gia vào một trong những công đoạn của quy trình sản xuất, như gốm Phước Tích, chạm khảm, thêu ren để tạo sự hấp dẫn từ các làng nghề thủ công truyền thống Huế.../.

Quốc Việt (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục