Hồ Chí Minh, biểu tượng tích hợp văn hóa Đông-Tây

Các học giả trong nước và quốc tế một lần nữa khẳng định Hồ Chí Minh là biểu tượng sinh động của sự tích hợp văn hóa Đông-Tây.
Tại Hội thảo khoa học quốc tế “Di sản Hồ Chí Minh trong thời đại ngày nay,” các nhà nghiên cứu, nhà khoa học trong nước và quốc tế một lần nữa khẳng định Hồ Chí Minh là biểu tượng sinh động của sự tích hợp văn hóa Đông-Tây.

Tại buổi thảo luận của hội thảo về chủ đề: Văn hóa, đạo đức, nhân cách trong Di sản Hồ Chí Minh, chiều 13/5, ông Nguyễn Văn Chi, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhấn mạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh suốt đời không ngừng chăm lo xây dựng Đảng cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức, kiểm tra,  đồng thời chú trọng đến tư cách, đạo đức cách mạng của người cán bộ, đảng viên.

Hồ Chí Minh nhấn mạnh về đạo đức là gốc của người cách mạng nhưng không coi nhẹ tài năng. Ngoài phẩm chất, năng lực, Người còn yêu cầu người cán bộ các mạng phải có phong cách công tác khoa học, chống chủ quan, khoe khoang, kiêu ngạo, quan liêu đại khái, phô trương, ham chuộng hình thức; chống lối làm việc gặp đâu, hay đấy, thiếu kế hoạch, thiếu kiểm tra.

Giáo sư Mauro García Triana, nguyên Đại sứ đầu tiên của Cuba tại Việt Nam nhận xét Hồ Chí Minh là một trong những chính khách có tính đại diện cao nhất của dân tộc mình trong toàn bộ lịch sử nhân loại. Người đã có ý thức sâu sắc về lịch sử và di sản phong phú về văn hóa và đạo lý của nhân dân Việt Nam. Văn hóa và đạo lý ấy được Hồ Chí Minh mang theo với tư cách là người đại diện cao nhất của dân tộc Việt Nam …

Giáo sư, tiến sĩ Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Học viện Chính trị- Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh độc lập, thống nhất, hữu nghị, hợp tác và phát triển cho các dân tộc mà Chủ tich Hồ Chí Minh đã phấn đấu là nguyện vọng của nhân loại tiến bộ. Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về một thế giới hòa bình, về tình hữu nghị, sự hợp tác giữa các dân tộc vẫn luôn dẫn dắt chúng ta.

Trong tham luận của mình, các đại biểu dự hội thảo đã khẳng định trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, gồm 30 năm sống ở nước ngoài, Người đã dày công học tập để trở thành một nhà văn hóa lớn, tiếp thu lấy những cái hay, cái tốt, cái phù hợp với truyền thống nhân ái, khoan dung của văn hóa Việt Nam để phục vụ cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và canh tân đất nước.

Các đại biểu đã phân tích, chỉ ra trong văn hóa Hồ Chí Minh chứa đựng những nhân tố tích cực của tinh thần Cộng hòa Pháp; khát vọng độc lập, dân chủ, dân quyền Mỹ; tinh thần trọng đạo đức của Khổng giáo; phép biện chứng của Karl Mark; tinh thần cách mạng của V.I.Lenin; chủ thuyết Tam Dân của Tôn Trung Sơn.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã biết tiếp thu có chọn lọc những giá trị từ bên ngoài mà vẫn giữ được tinh thần thuần túy Việt Nam, không đánh mất bản sắc dân tộc của mình sau khi thâu hóa những giá trị chung của nhân loại. Tinh thần khoan dung văn hóa Hồ Chí Minh xa lạ với mọi thói hẹp hòi, kỳ thị, biệt phái.

Di sản tinh thần này của Hồ Chí Minh đang là bài học có ý nghĩa thời sự sâu sắc trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay, nhất là đối với các nước đang phát triển: trên con đường giao lưu hội nhập, tiếp thu thành tựu văn hóa-khoa học-công nghệ của nhân loại, làm giàu cho mình mà không đánh mất truyền thống và bản sắc văn hóa dân tộc.

Chủ trương “văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi,” trong bất kỳ điều kiện nào, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chú trọng phát triển văn hóa, nâng cao dân trí, giáo dục đạo đức, tạo điều kiện cho mỗi người tận lực phát triển những năng lực sẵn có của mình.

Nền văn hóa mới của Việt Nam, theo Người, phải kết hợp tốt giữa việc kế thừa, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của văn hóa dân tộc với tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Văn hóa phải thấm sâu vào tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội; phải chống lại tham nhũng, lười biếng, phù hoa, xa xỉ; phải làm cho mọi người dân Việt Nam, từ già đến trẻ, cả đàn ông và đàn bà, ai cũng hiểu nhiệm vụ của mình và biết hưởng hạnh phúc mà mình được hưởng.

Đề cập về tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, nhiều tham luận nhận định Hồ Chí Minh là một trong số ít những nhà lãnh đạo cách mạng bàn nhiều về vai trò và sức mạnh của đạo đức, đặc biệt trong điều kiện Đảng cầm quyền. Người đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân Việt Nam một “tấm gương tuyệt vời về con người mới”- tấm gương về cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư; đời riêng trong sáng, nếp sống giản dị; một hình ảnh mẫu mực về “ người lãnh đạo và người đày tớ thật trung thành của nhân dân,” có sức lôi cuốn, cảm hóa mãnh liệt với nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế. Người là kết tinh những giá trị cao quý nhất của văn hóa-đạo đức Việt Nam.

Nét nổi bật trong nhân cách cao đẹp của Hồ Chí Minh là những phẩm chất lý tưởng của một nhà chính trị thiên tài: có lý tưởng mãnh liệt, có ý chí kiên cường, có trí tuệ sáng suốt và có tầm nhìn xa, có sức hấp dẫn, lôi cuốn mạnh mẽ đối với quần chúng, biết gần gũi người trí, trọng dụng người tài. Những phẩm chất đó đã giúp Hồ Chí Minh sáng suốt lựa chọn quyết sách, ứng biến kịp thời trước mọi diễn biến phức tạp của thời cuộc, đưa con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua sóng gió, cập bến bờ thắng lợi vẻ vang.

Tham luận của các đại biểu khẳng định Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là Anh hùng giải phóng dân tộc vĩ đại của Việt Nam mà còn là một nhà văn hóa kiệt xuất, một tấm gương đạo đức tuyệt vời trong sáng, một nhân cách hoàn hảo, tượng trung cho phẩm chất cao đẹp nhất của một nhà hoạt động chính trị, một lãnh tụ cách mạng chân chính, một người công bộc trung thành và tận tụy của nhân dân./.

Hương Thủy – Bích Thủy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục