Thông qua 6 dự thảo Nghị định, dự án Luật

Ngày 5/8 - ngày thứ hai và cũng là ngày cuối cùng của phiên họp thường kỳ tháng 7, Chính phủ đã thông qua 6 dự thảo Nghị định và dự án Luật.
Ngày 5/8 - ngày thứ hai và cũng là ngày cuối cùng của phiên họp thường kỳ tháng 7, Chính phủ nghe, thảo luận và thông qua 6 dự thảo Nghị định và dự án Luật.

Sáu dự thảo này gồm Nghị định Thí điểm thành lập, tổ chức, hoạt động và quản lý tập đoàn kinh tế nhà nước; Luật Thuế tài nguyên; Luật Nuôi con nuôi; Luật Tiếp cận thông tin; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục và Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Về Nghị định thí điểm thành lập, tổ chức, hoạt động và quản lý tập đoàn nhà nước, báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư do Thứ trưởng Cao Viết Sinh trình bày nêu rõ việc xây dựng, ban hành Nghị định này nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc thí điểm thành lập tập đoàn kinh tế nhà nước trong các ngành, lĩnh vực then chốt cần phát triển.

Nghị định giới hạn trong phạm vi thực hiện chức năng, quyền hạn của chủ sở hữu Nhà nước nhằm hướng dẫn về tổ chức, quản lý và hoạt động của các tập đoàn kinh tế nhà nước, bảo đảm để các tập đoàn thực hiện đúng mục tiêu Nhà nước giao, tránh đầu tư dàn trải và góp phần bảo đảm vai trò của kinh tế nhà nước trong các lĩnh vực quan trọng.

Đối tượng áp dụng của nghị định này là tập đoàn kinh tế nhà nước do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập trong các ngành nghề kinh doanh chính sau bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin; đóng mới, sửa chữa tàu thủy; sản xuất, truyền tải, phân phối và kinh doanh điện năng; khảo sát, thăm dò, khai thác, chế biến và phân phối dầu khí; khảo sát, thăm dò, khai thác, chế biến than và khoáng sản.

Dệt may; trồng, khai thác, chế biến cao su; sản xuất, kinh doanh phân bón và các sản phẩm hóa chất; đầu tư và kinh doanh bất động sản; công nghiệp xây dựng và cơ khí chế tạo cùng với các ngành nghề khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ trong từng thời kỳ, cũng là những đối tượng áp dụng của Nghị định.

Kết luận về dự thảo Nghị định, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu ý kiến của các thành viên Chính phủ, sau đó Thường trực Chính phủ xem xét để cuối tháng 8 này sẽ ban hành Nghị định.

Về dự án Luật Thuế tài nguyên, theo Tờ trình Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh trình bày, bên cạnh những kết quả đạt được, Pháp lệnh Thuế tài nguyên ban hành năm 1998 và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung Điều 6 Pháp lệnh Thuế tài nguyên ban hành năm 2008 còn bộc lộ một số hạn chế.

Vì vậy, để bảo đảm xây dựng hệ thống thuế đồng bộ, phù hợp với tình hình thực tế và các luật liên quan, cần phải xây dựng Luật Thuế tài nguyên thay thế 2 pháp lệnh trên.

Tờ trình dự án Luật Nuôi con nuôi do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường trình bày nêu rõ trong giai đoạn phát triển mới của đất nước, Pháp luật về nuôi con nuôi đang bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập.

Các vấn đề liên quan đến nuôi con nuôi còn tản mát trong nhiều văn bản pháp luật khác nhau như trong Bộ luật Dân sự, Luật Hôn nhân và gia đình, Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hôn nhân và gia đình về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài, các văn bản pháp luật về quốc tịch, về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.

Do chưa được quy định thống nhất trong một đạo luật chung, nên một số quy định về nuôi con nuôi còn chồng chéo, mâu thuẫn với nhau, làm giảm hiệu lực áp dụng trong thực tế. Vì vậy đã đến lúc phải cần thiết phải có Luật Nuôi con nuôi.

Theo Tờ trình về dự án Luật Tiếp cận thông tin cũng do Bộ trưởng Hà Hùng Cường đọc, ở Việt Nam, quyền được thông tin của công dân, tổ chức đã được thể hiện trong nhiều chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.

Thực thi tốt quyền tiếp cận thông tin cũng sẽ làm tăng lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, phát huy trí tuệ, tính tích cực của nhân dân, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội và tăng cường dân chủ, góp phần quan trọng vào việc bảo đảm ổn định chính trị - xã hội, vốn là điều kiện tiên quyết của phát triển bền vững.

Việc ban hành Luật Tiếp cận thông tin còn nhằm thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam về minh bạch hóa hoạt động của các cơ quan nhà nước nhằm bảo đảm hài hòa với pháp luật quốc tế, thể hiện nỗ lực của Nhà nước Việt Nam trên con đường hội nhập quốc tế.

Tờ trình về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân trình bày nêu rõ Luật Giáo dục được Quốc hội thông qua ngày 14/6/2005 (thay thế Luật Giáo dục năm 1998) đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho tổ chức và hoạt động giáo dục.

Qua 3 năm thực hiện, Luật Giáo dục đã góp phần phát triển sự nghiệp giáo dục, nâng cao trình độ dân trí và chất lượng nguồn nhân lực, góp phần đào tạo nhân tài cho đất nước.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện Luật đã nảy sinh một số điểm chưa phù hợp với tình hình thực tiễn như vấn đề giáo dục nghề nghiệp, giáo trình đại học; thời gian đào tạo trình độ tiến sĩ; miễn học phí đối với học sinh, sinh viên sư phạm, người theo học các khóa nghiệp vụ sư phạm; thành lập nhà trường.

Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục nhằm làm cho Luật phù hợp hơn với tình hình thực tế, tạo cơ sở cho việc nần cao chất lượng giáo dục.

Về Tờ trình Chính phủ dự án Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả do Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Hữu Hào báo cáo cho biết do những giới hạn về khả năng công nghệ, tiềm lực tài chính, điều kiện kinh tế - xã hội ở Việt Nam, việc phát triển các nguồn năng lượng thay thế cho các nguồn truyền thống đang gặp nhiều khó khăn, hạn chế khả năng đa dạng hóa các nguồn cung cấp năng lượng.

Theo dự báo, với tốc độ gia tăng mức khai thác năng lượng như hiện nay, đến cuối thế kỷ này, các nguồn năng lượng của Việt Nam sẽ trở thành khan hiếm, các mỏ dầu và khí đốt sẽ dần cạn kiệt trong vòng vài chục năm tới. Đáng chú ý, trong sản xuất công nghiệp, xây dựng dân dụng và giao thông vận tải của Việt Nam hiện nay, tình trạng lãng phí năng lượng rất lớn.

Vì vậy, việc ban hành Luật để điều chỉnh toàn bộ hành vi phía sử dụng năng lượng là cần thiết, kịp thời và phù hợp với xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục