2013: Nguy cơ khó kiểm soát lạm phát vẫn tiềm ẩn

Theo nhiều chuyên gia, mục tiêu kiểm soát lạm phát trong năm 2013 sẽ là nhiệm vụ vô cùng khó khăn và tiềm ẩn không ít nguy cơ.
Đánh giá cao việc kiềm chế lạm phát trong năm vừa qua nhưng ông Nguyễn Tiến Thỏa, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Thẩm định giá Việt Nam cảnh báo, mục tiêu kiểm soát lạm phát năm sau sẽ vô cùng khó khăn và tiềm ẩn không ít nguy cơ.

Đây cũng là ý kiến được nhiều chuyên gia đề cập trong hội thảo “Diễn biến giá cả thị trường năm 2012 và dự đoán năm 2013,” vừa được tổ chức sáng nay (27/12) tại Hà Nội.

Theo ông Thỏa, khi sức cạnh tranh của nền kinh tế cũng như hiệu quả sử dụng vốn chưa cao thì nguy cơ lạm phát tiềm ẩn trong năm 2013 là việc vẫn phải quan tâm.

Nói về những yếu tố cụ thể hơn, đại diện Hiệp hội thẩm định giá cho rằng, giá điện tăng những ngày cuối năm nay sẽ tác động không nhỏ lên đầu vào của mọi ngành sản xuất trong năm sau. Chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng theo hướng tăng lên trong thời gian tới. Điều này sẽ kéo mặt bằng giá chung đi lên.

Nói rõ hơn, bà Ngô Thị Ánh Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê cho rằng, tác động của giá điện sẽ bắt đầu ngay trong thời gian gần tới đây. Tác động này có thể sẽ tiếp tục kéo dài vào khoảng thời gian tháng 2, tháng 3 năm sau trong khi đây là thời điểm dư âm của Tết Nguyên đán nên điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới chỉ số giá tiêu dùng.

Ngoài ra, theo bà Dương, hiện còn khoảng 30 tỉnh chưa thực hiện điều chỉnh giá viện phí. Đây được coi là một trong những mặt hàng làm tăng giá dịch vụ y tế cũng như chỉ giá tiêu dùng nhiều nhất.

Nhìn lại năm 2012, bà Dương cho rằng, giá dịch vụ y tế đã bắt đầu tăng từ tháng 7 và kéo dài liên tiếp trong 5 tháng. Tới tháng 9, giá cả nhóm mặt hàng này lại có sự cộng hưởng với giá nhóm giáo dục khiến chỉ số giá bị đẩy lên khá cao. "Đây là việc cơ quan quản lý cần xem xét trong thời gian tới để tránh đẩy chỉ số giá tiêu dùng quá mức cần thiết như đã từng phải chứng kiến năm vừa rồi," bà Dương khuyến nghị.

Trong khi đó, đại diện Tổng cục Thống kê cũng lo ngại, nếu thời gian tới, cung tiền được nới lỏng thì chỉ sau vài tháng, giá tiêu dùng sẽ phải chịu tác động và sẽ có xu hướng đi lên.

Ông Nguyễn Ngọc Tuyến, Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính (Học viện Tài chính, Bộ Tài chính) cảnh báo, tỷ giá ổn định trong thời gian qua là vấn đề tốt nhưng nếu không khéo, đó cũng có thể là con dao hai lưỡi.

"Tỷ giá ổn định trong thời gian dài làm cho đồng Việt Nam lên giá và không tốt cho khuyến khích sản phẩm. Ngoài ra, tỷ giá cố định trong khi lãi suất đồng Việt Nam luôn ở mức cao hơn nhiều so với lãi suất ngoại tệ tạo ra chênh lệch lớn về lãi suất.

Điều này sẽ  gây nên tình trạng kinh doanh ngoại tệ hoặc chuyển vốn không phục vụ mục tiêu đầu tư, phát triển sản xuất. cho rằng, tính ổn định vĩ mô của nền kinh tế nước ta vẫn rất kém và trong năm 2013, mục tiêu kiềm chế lạm phát có thể cần  ưu tiên cao hơn so với mục tiêu tăng trưởng," ông Tuyến nhận định.

Nói thêm về những giải pháp trong thời gian tới, ông Nguyễn Tiến Thỏa, đại diện Hiệp hội thẩm định giá cho rằng, việc kiềm chế giá tiêu dùng cần phải thực hiện ngay từ đầu năm. Hiện tại, giá các mặt hàng đã có xu hướng nhích lên bởi đây là thời điểm gần Tết. Tuy nhiên, cơ quan chức năng cần đảm bảo đủ hàng và kiểm soát tránh để tình trạng sốt hay ém hàng, ảnh hưởng tới người tiêu dùng.

Quan trọng hơn, ông Thỏa khẳng định, thời gian tới, việc điều chỉnh giá phải có lộ trình rõ ràng và phù hợp.

“Chúng ta phải kiên trì theo cơ chế giá thị trường tuy nhiên việc thực hiện sẽ phải phù hợp với từng mục tiêu cụ thể,” ông Thỏa nhấn mạnh./.

Xuân Dũng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục