Cướp bóc, xung đột lan tràn ở Cộng hòa Trung Phi

Các vụ cướp bóc và xung đột lan tràn trên các đường phố tại thủ đô Bangui của CH Trung Phi sau khi  Seleka kiểm soát thành phố.
Các vụ cướp bóc và xung đột lan tràn trên các đường phố tại thủ đô Bangui của Cộng hòa Trung Phi sau khi lực lượng phiến quân Seleka kiểm soát thành phố ngày 24/3 và Tổng thống nước này, ông Francois Bozize chạy khỏi thủ đô.

Nhiều nhà ở, cửa hiệu, nhà hàng và văn phòng, thậm chí trụ sở của nhiều cơ quan đại diện của Liên hợp quốc tại đây bị đập phá, thành phố mất điện, mất nước hoàn toàn.

Ủy ban chữ thập đỏ quốc tế cho biết số người thương vong trong các cuộc xung đột giữa phiến quân và quân đội của chính phủ đã tăng mạnh khiến bệnh viện và các trung tâm y tế tại Bangui quá tải. Ủy ban đã kêu gọi cộng đồng quốc tế trợ giúp giữ an ninh tại thủ đô của Cộng hòa Trung Phi.

Sau khi liên minh phiến quân Seleka chiếm giữ thủ đô cũng như Dinh tổng thống, thủ lĩnh lực lượng này, Michel Djotodia cam kết sẽ tôn trọng thỏa thuận hòa bình đã ký với chính phủ hồi tháng 1 vừa qua tại Libreville (Gabon) và sẽ tổ chức các cuộc bầu cử dân chủ trong vòng ba năm tới.

Phóng viên TTXVN tại Algeria dẫn tạp chí "Afrik" ngày 24/3 đưa tin thủ lĩnh phiến quân Djotodia đã tự xưng là tổng thống lâm thời, đồng thời ban bố giới nghiêm tại thủ đô sau khi xảy ra nhiều vụ cướp bóc.

Thủ lĩnh Seleka cũng khẳng định sẽ không truy bắt người của chế độ cũ, lên án các hành vi trả thù, cướp bóc và kêu gọi tất cả người dân nước này đối thoại để "tìm ra con đường chung hướng tới tương lai". Theo Seleka, biện pháp để thực hiện mục tiêu này là "kiểm soát thời kỳ chuyển tiếp với sự đồng thuận và trong một thời gian ngắn phải tổ chức bầu cử dân chủ."

Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Phi (AU), bà Nkosazana Dlamini-Zuma đã kịch liệt lên án hành động tiếm quyền của phiến quân tại Cộng hòa Trung Phi, đồng thời kêu gọi các quốc gia thành viên AU cần có ngay hành động thống nhất và quyết đoán. Theo bà, AU đã quy định rõ rằng trong trường hợp có thay đổi quyền lực một cách vi hiến, nước đó sẽ bị đỉnh chỉ các hoạt động ở AU, những người phạm tội sẽ bị cô lập hoàn toàn và AU sẽ thông qua các biện pháp trừng phạt đối với các trường hợp đó.

[Tổng thống của Cộng hòa Trung Phi tới Cameroon]

Mỹ đã bày tỏ quan ngại về tình hình an ninh tại Cộng hòa Trung Phi và kêu gọi tôn trọng luật pháp ở Bangui. Phát biểu trước báo giới, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland, nêu rõ: "Mỹ quan ngại sâu sắc về tình hình an ninh xấu đi nghiêm trọng ở Cộng hòa Trung Phi. Chúng tôi kêu gọi khẩn lực lượng Seleka hiện đang kiểm soát Bangui thiết lập trật tự và luật pháp ở thành phố này, đồng thời khôi phục các dịch vụ cơ bản về điện và nước sinh hoạt. Chúng tôi cũng hối thúc tất cả các bên cho phép tiếp cận nhân đạo cho người dân."

Từ thủ đô Paris, Tổng thống Pháp Francois Hollande đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Nam Phi Jacob Zuma về tình hình Cộng hòa Trung Phi. Hai nhà lãnh đạo kêu gọi các bên "kiềm chế, ngăn chặn cướp bóc và tôn trọng các cam kết chính trị" theo thỏa thuận hòa bình Libreville. Ông Hollande cũng điện đàm với Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon và Tổng thống Cộng hòa Idriss Deby Itno về tình hình nêu trên.

Tổng thống Pháp kêu gọi các bên ở Cộng hòa Trung Phi thành lập một chính phủ như cam kết trong thỏa thuận hòa bình, đồng thời yêu cầu các nhóm vũ trang tôn trọng người dân. Văn phòng tổng thống Pháp cho biết Paris sẽ điều thêm quân tới Cộng hòa Trung Phi để bảo vệ công dân của mình, song không cho biết con số cụ thể.

Theo nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Cameroon, Tổng thống Cộng hòa Trung Phi Francois Bozize đã tới miền Đông Cameroon sau khi chạy khỏi Dinh tổng thống ở thủ đô Bangui. Trước đó, một nguồn tin an ninh ở Kinsaxa, Cộng hòa Dân chủ Congo, cho biết 25 thành viên gia đình Tổng thống Bozize đã xin tị nạn tại nước này, song không cho biết ông Bozize có đi cùng gia đình hay không. Hiện những người này đang trú tại một khách sạn ở thành phố Zongo./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục