Châu Á nhắm kỷ nguyên vàng cho khí đốt tự nhiên

Cơ quan Năng lượng Quốc tế cho rằng châu Á đang thúc đẩy một "kỷ nguyên vàng" cho khí đốt trên cả hai khía cạnh sản xuất và tiêu dùng.
Giám đốc kinh tế của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), Fatih Birol cho rằng Australia, Indonesia và Papua New Guinea có thể sẽ thúc đẩy "kỷ nguyên vàng" tiêu thụ khí đốt tự nhiên từ phía cung, trong khi Trung Quốc sẽ là động lực chính bên cầu.

Phát biểu bên lề Hội nghị thượng đỉnh năng lượng Thái Bình Dương ở Jakarta ngày 22/2, ông Fatih Birol nhận định rằng một "kỷ nguyên vàng cho khí đốt" đang bắt đầu và sự khởi đầu của kỷ nguyên này sẽ được thúc đẩy bởi châu Á, xét cả trên hai khía cạnh sản xuất và tiêu dùng.

Về phía cung cấp, IEA cho biết có rất nhiều dự án khí đốt hóa lỏng (LNG), bao gồm khoảng 90 tỷ m3 LNG, đang được xây dựng hoặc đang trong giai đoạn đưa ra quyết định đầu tư cuối cùng, hầu hết ở các nước châu Á, trong đó có Australia, Indonesia và Papua New Guinea. Điều này sẽ khiến cho thị trường khí đốt châu Á-Thái Bình Dương trở nên rất năng động.

Cùng với Indonesia, vai trò của Australia là rất quan trọng vì "Xứ sở chuột túi" đang trên đường trở thành nước xuất khẩu khí đốt lớn thứ hai thế giới sau Qatar ở Trung Đông.

Theo ông Fatih Birol, nếu các dự án hiện nay ở Australia được triển khai, Australia có thể trở thành nước xuất khẩu khí đốt số một thế giới vào khoảng năm 2020.

Về phía tiêu dùng, ông Fatih Birol nhận xét Trung Quốc sẽ là động lực chính. Năm ngoái, quốc gia Đông Á này tiêu thụ khoảng 110 tỉ m3 khí đốt, lớn hơn cả Nhật Bản.

Theo những mục tiêu đặt ra trong kế hoạch 5 năm hiện nay, mức tiêu thụ khí đốt của Trung Quốc dự kiến sẽ tăng gấp đôi, lên tới 250 tỷ m3 trong vòng 5 năm tới. Đó chính là lý do tại sao Trung Quốc cần nhập khẩu rất nhiều LNG từ thị trường châu Á-Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, nếu trong vòng 5 năm tới, Trung Quốc đạt được mục tiêu tiêu thụ 250 tỉ m3 khí đốt thì khí đốt cũng vẫn chỉ chiếm có 5% cơ cấu năng lượng của nước này. Tỷ lệ đó rất thấp so với các thị trường khác như Mỹ, châu Âu và Nhật Bản, nơi khí đốt chiếm khoảng 25-30% cơ cấu năng lượng.

Theo ông Fatih Birol, điều đó chủ yếu là do khí đốt chưa được sử dụng để phát điện ở Trung Quốc./.

Ngọc Quang/Sydney (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục