Đấu giá chứng nhận giảm phát thải mỏ Rạng Đông

PVFC vừa đấu giá thành công lần thứ hai gói Chứng nhận giảm phát thải của dự án thu hồi và sử dụng khí đồng hành mỏ Rạng Đông.
Tổng Công ty Tài chính Cổ phần Dầu khí Việt Nam (PVFC) vừa tổ chức đấu giá thành công lần thứ 2 gói Chứng nhận giảm phát thải (CERs) của dự án thu hồi và sử dụng khí đồng hành mỏ Rạng Đông, Bà Rịa-Vũng Tàu (Dự án CDM 0152).

Theo PVFC, với lần đấu giá đầu tiên gói CERs Rạng Đông vào tháng 5 vừa qua, giá 1 CERs Rạng Đông đạt 13,5 euro và người mua là Tập đoàn Dầu khí Năng lượng Mercuria (Thụy Sĩ).

Hợp đồng mua này đã mang lại cho chủ đầu tư dự án CDM 0152 là Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) và Tổng Công ty Thăm dò và Khai thác Dầu khí (PVEP) gần 5 triệu euro.

PVFC cũng cho biết, với tổng số hơn 2 triệu CERs đã được Liên hợp quốc công nhận cho dự án CDM 0152, PVFC sẽ tiếp tục chia thành các gói thích hợp để tổ chức đấu giá.

Dự kiến, các hợp đồng được ký kết giữa PVN và PVEP với người mua CERs tuân thủ Nghị định thư Kyoto sẽ mang lại nguồn thu thương mại từ CERs cho chủ dự án CDM 0152 tại Việt Nam.

Hiện PVFC đã ký kết hợp đồng phát triển CDM cho hai dự án Nhà máy Sản xuất Biothanol tại Phú Thọ và Dung Quất, thống nhất và ký kết hợp đồng cho hai dự án khác là Dự án thu gom khí đồng hành và Gaslift cho mỏ Rồng-Đồi mồi của PVGas và Nhà máy sản xuất Biothanol tại Bình Phước của Công ty cổ phần Nhiên liệu Sinh học Đông Dương và Công ty Itochu-Nhật Bản.

CDM là một trong ba cơ chế mềm dẻo để các nước thực hiện nghĩa vụ giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính theo cam kết tại Nghị định thư Kyoto.

Chỉ cần có “Chứng nhận giảm phát thải hiệu ứng nhà kính,” bất kể chứng nhận đó có nguồn gốc hay được thực hiện tại quốc gia nào cũng được chấp nhận đã đóng góp giảm phát thải hiệu ứng nhà kính như cam kết trong Nghị định thư này (quy ước 1 CERs bằng 1 tấn khí gây hiệu ứng nhà kính). Vì vậy, giá 1 CERs ở châu Âu đã tăng vọt từ mức 3 euro (năm 2003) lên mức 13-14 euro như hiện nay./.

Nguyễn Kim Anh (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục