Thức ăn nhiều đường fructose gây huyết áp cao

Những người có chế độ ăn chứa 74g hoặc nhiều hơn chất fructose (một loại đường) mỗi ngày sẽ có nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp.
Theo một kết quả nghiên cứu, được đăng tải trên tạp chí Journal of the American Society Nephrology số ra tháng Bảy, những người thực hiện các chế độ ăn có chứa nhiều chất fructose (một loại đường) có nguy cơ gia tăng mắc triệu chứng huyết áp cao hoặc bệnh tăng huyết áp.

Kết quả nghiên cứu này cho thấy việc giảm các loại đồ uống và thức ăn có chứa nhiều chất fructose có thể làm giảm nguy cơ bị huyết áp cao.

Để kiểm tra sợi dây liên hệ giữa việc tiêu thụ fructose và nguy cơ gia tăng huyết áp cao, tiến sỹ Diana Jalal của Đại học Colorado và các đồng nghiệp đã phân tích các dữ liệu thu thập từ cuộc khảo sát kiểm tra dinh dưỡng và sức khỏe quốc gia giai đoạn 2003-2006.

Nghiên cứu này được tiến hành đối với 4.528 người lớn ở Mỹ tuổi từ 18 trở nên và không một ai có tiền sử bị huyết áp cao. Những người tham gia nghiên cứu phải trả lời các câu hỏi liên quan đến chế độ thức ăn và đồ uống hàng ngày như nước uống hoa quả, nước uống có ga, các loại bánh kẹo.

Kết quả cho thấy, những người thực hiện chế độ ăn có chứa 74g hoặc nhiều hơn chất fructose mỗi ngày có sẽ có nguy cơ cao hơn 26%, 30% và 77% với nồng độ huyết áp tương ứng là 135/85, 140/90 và 160/100 mmHg. Nồng độ huyết áp ở người bình thường là dưới 120/80mmHg.

Tiến sỹ Jalal phát biểu rằng: "Nghiên cứu của chúng tôi xác định các nhân tố nguy cơ có thể điều chỉnh đối với bệnh huyết áp cao. Tuy nhiên, cần tiến hành thêm những nghiên cứu để xem liệu các chế độ ăn có chứa ít fructose có ngăn chặn sự phát triển của bệnh huyết áp cao hay không."

Bệnh huyết áp cao là một thuật ngữ y học để nói về chứng huyết áp cao. Cần có huyết áp để giúp bơm máu tới các phần còn lại trong cơ thể, nhưng huyết áp cao lại có thể không có lợi cho sức khỏe và gây ra các vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe.

Nếu để không chữa trị, bệnh huyết áp cao có thể gây ra các biến chứng về sức khỏe, như nhồi máu cơ tim, suy tim sung huyết, suy thận, đột quỵ, suy giảm thị lực, hoặc hư não.

Bệnh huyết áp cao có thể xuất hiện ở tất cả mọi người thuộc mọi lứa tuổi, tuy nhiên bệnh này thường gặp hơn ở những người lớn trên 35 tuổi. Hơn 50 triệu người Mỹ mắc bệnh huyết áp cao (một phần tư), đặc biệt là những người Mỹ gốc Phi rất dễ mắc bệnh huyết áp cao (một phần ba).

Có nhiều yếu tố ảnh hưởng tới huyết áp, thí dụ như lượng nước trong cơ thể, lượng muối trong cơ thể, các loại hoóc môn, mức độ vận động, nhiệt độ, tâm trạng, tình trạng của thận, hệ thần kinh, và các mạch máu.

Những người có nhiều nguy cơ bị huyết áp cao cần phải kiểm soát cách ăn uống, bớt ăn muối, chất béo bão hòa và cholesterol; kiểm soát tâm trạng căng thẳng; giảm bớt căng thẳng hoặc tìm cách kiểm soát tâm trạng căng thẳng; tập thể dục; mỗi ngày nên vận động thân thể ở mức độ vừa phải trong ba mươi phút; giảm cân nếu cần thiết; và thường xuyên kiểm tra huyết áp để các bác sỹ tư vấn kịp thời./.

Khắc Hiếu/Washington (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục