"Sáng" giữa khủng hoảng

Australia - Điểm sáng trong cuộc khủng hoảng

Australia có nền kinh tế phát triển vững chắc nhất trong cuộc khủng hoảng khi tỉ lệ thất nghiệp giảm mạnh xuống 5,7% trong tháng 11.
Australia đã nổi lên là nền kinh tế phát triển vận hành vững chắc nhất thế giới trong và sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Trong khi tỉ lệ thất nghiệp của Mỹ ở mức cao nhất kể từ năm 1983 là 10,2%, Bộ Ngân khố Australia đã hạ thấp dự báo tỉ lệ thất nghiệp từ 8,5% xuống 6,75% và tỉ lệ này bất ngờ giảm mạnh xuống 5,7% trong tháng 11/2009.

Trong ngân sách được công bố tháng 5/2009, tỉ lệ tăng trưởng được nâng từ 0,5% lên 1,5% cho năm 2009-10 và 2,75% cho năm 2010-2011.

Thành tích kinh tế vững chắc của Australia đã được thể hiện bằng sự tăng giá của đồng AUD, tăng 32% so với đồng USD trong năm qua.

Theo nhận định của chuyên gia về chiến lược kinh tế Ian Buchanan thuộc Đại học Quốc gia Australia (ANU), Australia tránh được cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu là do may mắn và quản lý tốt.

Thủ tướng Kevin Rudd cùng chính phủ Australia xứng đáng được khen ngợi vì những hành động kiên quyết trong việc đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính ngay từ khi bắt đầu.

Tháng 10/2008, Chính phủ Kevin Rudd đã đứng ra bảo đảm cho những khoản ký quỹ ngân hàng và tài trợ bán buôn trong các ngân hàng của Australia. Sau đó vào tháng 2/2009, Chính phủ Kevin Rudd công bố gói kích thích kinh tế trị giá 42 tỉ AUD.

Tuy nhiên, Chính phủ Kevin Rudd cũng được hưởng một số may mắn như việc thừa kế một nền kinh tế vững mạnh 16 năm liền phát triển liên tục từ những người tiền nhiệm, nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú của đất nước và sự tiếp cận các thị trường tăng trưởng cao ở Đông Á.

Ngoài ra, Australia cũng có một khu vực ngân hàng được điều hành bằng những quy định chặt chẽ, trong đó có chính sách ''Bốn trụ cột" duy trì sự tách biệt của bốn ngân hàng lớn nhất nước (Commonwealth Bank, Westpac, NAB, ANZ), điều đã giảm bớt sự cạnh tranh và giảm thiểu tác động của những yếu tố phức tạp có liên hệ với cuộc khủng hoảng bất động sản ở Mỹ.

Australia bước vào năm 2010 với sự tin tưởng. Các quảng cáo việc làm theo thời vụ đã tăng 5,2% trong tháng 11/2009 và tăng 12,3% so với mức thấp hồi tháng 7/2009.

Chi tiêu tiêu dùng đang ở mức cao nhất trong vòng 2 năm qua, trong khi niềm tin kinh doanh ở mức cao trong vòng 7 năm.

Đầu tư kinh doanh cũng đang hồi phục, bằng chứng là khoản đầu tư trị giá 43 tỉ AUD vào dự án khí đốt Gorgon ở tiểu bang Tây Australia - dự án khai thác tài nguyên thiên nhiên lớn nhất trong lịch sử Australia.

Cùng với việc nền kinh tế hồi phục, tháng 10/2009, Ngân hàng Trung ương Australia (RBA) là ngân hàng trung ương đầu tiên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) nâng lãi suất, lên mức 3,25%.

Sự hồi phục của Australia một phần là nhờ khoản tiền mặt phân phát cho các hộ gia đình với tổng trị giá 22 tỉ AUD cộng với khoản chi tiêu 22 tỉ AUD dành cho cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn dư thừa khả năng.

Chỉ số giá tiêu dùng của RBA đã giảm 44,9% trong năm 2009. Doanh thu từ xuất khẩu giảm và thâm hụt tài khoản vãng lai tăng từ 13,1 tỉ AUD trong quý II lên 16,2 tỉ AUD trong quý III.

Để duy trì sự hồi phục, Thủ tướng Kevin Rudd nhận thấy sự cần thiết phải thúc đẩy năng suất của nền kinh tế trong nước, đồng thời thắt chặt những liên hệ với các thị trường xuất khẩu chính của Australia ở khu vực Đông Á có mức tăng trưởng cao.

Thông qua tiến trình cải cách của Hội đồng các chính quyền toàn Australia (COAG), Thủ tướng Rudd đã đề xuất cải cách thuế, dịch vụ công cùng các hệ thống quy định và cạnh tranh.

Chính phủ Australia cũng đã tìm cách (nhưng vẫn thất bại cho đến nay) đưa ra Kế hoạch giảm ô nhiễm cácbon (CPRS) nhằm đưa Australia trở thành nước đi đầu trên thế giới trong cuộc đấu tranh toàn cầu chống lại sự biến đổi khí hậu.

Về mặt quốc tế, Australia cũng đã được ca ngợi do có vai trò trong sự nổi lên của Nhóm G20 như là một tổ chức toàn cầu hàng đầu cũng như vai trò trong Nhóm Cairns (nơi thúc đẩy tự do hóa thương mại nông nghiệp).

Tất nhiên, Australia cần phải cẩn trọng để không ''mưu mẹo hơn'' trong các quan hệ với các quốc gia láng giềng châu Á vốn không đồng nhất.

Với thành tích kinh tế được ghi nhận, các thể chế minh bạch và hiệu quả cùng nguồn tài nguyên phong phú, Australia có điểm mạnh để đề nghị với các nước láng giềng Đông Á có mức tăng trưởng cao.

Tuy nhiên, vụ Rio Tinto-Stern Hu cho thấy rằng các quan hệ của Australia với khu vực rốt cuộc là một cộng đồng có cùng lợi ích, chứ không phải là một cộng đồng có cùng giá trị.

Ngoại giao của Australia với khu vực, kể cả những nỗ lực hiện nay nhằm gây ảnh hưởng cho sự hình thành của một cơ cấu thể chế khu vực mới, tốt nhất nên được thực hiện với sự thận trọng.

Cộng đồng có cùng giá trị mà Australia mơ ước chỉ có thể nổi lên như là kết quả của việc duy trì thành công của một cộng đồng có cùng lợi ích./.

Ngọc Quang (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục